Võ Judo đối mặt với tương lai bấp bênh trên chính quê hương Nhật Bản

Những hình phạt khắc nghiệt và áp lực giảm cân khiến ngày càng nhiều trẻ em Nhật Bản từ bỏ ước mơ trở thành võ sỹ Judo, làm dấy lên lo ngại về tương lai của Judo trên chính quê hương của bộ môn này.

Thi đấu Judo. (Nguồn: Gaijinpot)

Nhật Bản được biết đến là cái nôi của môn võ thuật Judo nhưng để trở thành một võ sỹ chuyên nghiệp, người tham gia phải trải qua quá trình tôi luyện nhọc nhằn để có được một tinh thần quyết thắng, với những hình phạt khắc nghiệt và áp lực giảm cân luôn thường trực.

Những điều kiện trên khiến ngày càng nhiều trẻ em Nhật Bản nản chí và từ bỏ ước mơ trở thành võ sỹ Judo, làm dấy lên những lo ngại về tương lai của Judo trên chính quê hương của bộ môn này.

Nhận thấy vấn đề ngày càng nghiêm trọng, Liên đoàn Judo toàn Nhật Bản đã hủy giải đấu Judo dành cho trẻ từ 10-12 tuổi, cảnh báo trẻ đang bị áp lực quá lớn khi tham gia giải.

Một nhóm vận động chuyên thu thập các thông tin về sự cố bị thương hay thiệt mạng trong thời gian tập luyện Judo cho biết từ năm 1983-2016, Nhật Bản ghi nhận 121 ca tử vong liên quan bộ môn này tại các trường học.

Nhật Bản thường xuyên là quốc gia đứng đầu trong các bảng xếp hạng huy chương Judo qua các kỳ Thế vận hội (Olympic) nhưng Chủ tịch liên đoàn Judo toàn Nhật Bản Yasuhiro Yamashita cho rằng bộ môn này đang đánh mất dần những giá trị cốt lõi mà phần lớn do các bậc cha mẹ hay các huấn luyện viên chú trọng hào quang trước mắt.

[Tổng huy chương Vàng của tuyển Judo Việt Nam gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra]

Theo ông Yamashita, Judo là môn thể thao tôn vinh tinh thần nhân đạo nhưng bản chất tốt đẹp của bộ môn này đang bị bóp méo khi ngày càng nhiều người tham gia chỉ chú trọng mục tiêu chiến thắng và kết quả thi đấu.

Theo liên đoàn trên, từ năm 2004 đến nay, số người tham gia tập luyện Judo đã giảm gần một nửa, từ mức 120.000 người, trong đó sụt giảm mạnh nhất là số lượng trẻ em tham gia.

Nhiều thông tin được ghi nhận cho thấy trẻ học tiểu học khi tham gia tập luyện Judo chịu sức ép giảm cân (có khi phải giảm tới 6kg) để tham gia thi đấu ở hạng cân nhẹ hơn.

Các chương trình rèn luyện dành cho trẻ có những bài tập với mức độ nguy hiểm tương đương chương trình dành cho vận động viên thi đấu Olympic trong khi cơ chế tập luyện rất hà khắc khiến trẻ bị thương hoặc kiệt sức.

Những hình ảnh phi thể thao như cha mẹ và các huấn luyện viên xúc phạm trọng tài trong các trận đấu, áp dụng các hình phạt hà khắc khi luyện tập, các bế bối lạm dụng hay bắt nạt vẫn tồn tại trong bộ môn này.

Liên đoàn Judo toàn Nhật Bản đã có hành động đầu tiên vào tháng Ba vừa qua khi hủy giải đấu Judo quốc gia dành cho lứa tuổi 10-12, chuẩn bị thay thế giải đấu này bằng các sự kiện như thuyết giảng hoặc các kỹ huấn luyện.

Dù vậy, quyết định này vẫn vấp phải sự phản đối từ một bộ phận các cha mẹ và huấn luyện viên cho rằng liên đoàn đã cản trở giấc mơ vươn tới vinh quang của các em hay làm suy yếu hình ảnh Nhật Bản như cái nôi của Judo.

Judo và các môn võ nghệ khác được sử dụng trong huấn luyện quân sự ở Nhật Bản từ trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi đó, các quân nhân thường được cử đến các trường học để hướng dẫn học sinh tập luyện.

Sau thời gian bị gián đoạn trong thời kỳ hậu Thế chiến II, năm 1964, Judo được giới thiệu là bộ môn thi đấu chính thức trong Olympic Tokyo./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)