Vĩnh Phúc: Khẩn trương khắc phục sự cố nứt mặt đê sông Cà Lồ
Hiện tượng nứt mặt đê trên sông Cà Lồ (Vĩnh Phúc) phát triển mạnh, cá biệt có những vị trí khe nứt đến 5cm và đang có xu hướng ngày càng phát triển thêm cả về chiều rộng, chiều dài và chiều sâu.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân thành phố Phúc Yên, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai giải pháp khắc phục sự cố nứt mặt đê sông Cà Lồ thuộc địa bàn thành phố Phúc Yên đã xuất hiện nhiều vết nứt dài trên mặt đê trong thời gian gần đây.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giao thành phố Phúc Yên có trách nhiệm duy trì việc cảnh báo thông báo rộng rãi, về tình hình sự cố đến toàn thể nhân dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để chủ động và xử lý khi có tình huống bất lợi.
Đồng thời nghiên cứu các biện pháp gia cố tạm thời tại các vị trí nứt trên mặt đê, để hạn chế việc lan rộng các vết nứt; lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê; phối hợp cùng với đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diến biến sự cố.
Trường hợp phát hiện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, báo cáo ngay về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phúc Yên, khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố đã tổ chức họp để khắc phục những sự cố nứt mặt đê sông Cà Lồ và yêu cầu các phòng ban chức năng đẩy mạnh việc phối hợp kiểm tra rà soát, thực hiện các bước khắc phục sự cố nhanh chóng, đúng quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đê điều.
Ủy ban Nhân dân thành phố Phúc Yên yêu cầu 2 xã, phường Cao Minh và Nam Viêm thành lập tổ công tác trực đê, đặt biển báo sự cố, chuẩn bị các phương án với phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị khác khi có tình huống xấu xảy ra; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hạn chế tải trọng phương tiện lưu thông trên tuyến đê cho đến khi xử lý xong sự cố.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại thành phố Phúc Yên, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo khắc phục kịp thời.
Đồng thời phối hợp cùng UBND thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đê Cà Lồ là đê sông nội đồng cấp 5 với tổng chiều dài là 23km, gồm tuyến tả Cà Lồ 9 km và tuyến hữu Cà Lồ 14km. Tuyến đê Cà Lồ có cao trình, mặt cắt ngang đủ tiêu chuẩn đê cấp 5; mặt đê đã được cứng hóa bằng bêtông với bề mặt rộng 4-5m.
Trước đây, hệ thống các kè lát mái chống sạt lở và các cống dưới đê đều đảm bảo chống được lũ thiết kế, các vị trí xung yếu đã được đầu tư xây dựng các điếm canh đê đạt tiêu chuẩn.
Trên tuyến đê tả Cà Lồ đã được xử lý mối, khoan phụt vữa, đổ bêtông mặt đường để đảm bảo an toàn đê phục vụ chống lũ và đảm bảo giao thông trong vùng.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Phúc Yên có những đợt mưa lớn cục bộ kết hợp mực nước sông Cà Lồ luôn ở mức thấp, dẫn đến hiện tượng nứt mặt đê phát triển mạnh, cá biệt có những vị trí khe nứt đến 5cm và đang có xu hướng ngày càng phát triển thêm cả về chiều rộng, chiều dài và chiều sâu.
Nguyên nhân chính gây nứt lún mặt đê là tuyến đê được xây dựng từ lâu, do nhân dân sinh sống ven đê gia cố đắp đê, vật liệu đất đắp đê không đảm bảo tiêu chuẩn nên còn nhiều ẩn họa trong thân đê.
Thực tế, theo số liệu khảo sát của đơn vị tư vấn địa chất thân đê có hàm lượng hạt bụi khoảng 35,2% và hạt sét là 31,8%, dễ bị trương nở khi có nước, co ngót về mùa khô và có xu hướng nứt dọc đê.
Trên tuyến đê Cà Lồ do Ủy ban Nhân dân thành phố Phúc Yên quản lý có một số vị trí bị sạt lở, lún, sụt nền, nứt mặt đê, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều.
Cụ thể, Đoạn 1 từ K2 +165 đến K2+285 dài khoảng 120m, bề rộng vết nứt khoảng 2-5cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-20cm. Đoạn 2 từ K2+305 đến K2+395 dài khoảng 90m, bề rộng vết nứt khoảng 1-3cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-20cm. Đoạn 3 từ K2+410 đến K2+590 dài khoảng 180m, bề rộng vết nứt khoảng 1-4cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-25cm, cá biệt có một số chỗ sâu 35cm. Đoạn 4 từ K2+720 đến K3+050 dài khoảng 330m, bề rộng vết nứt khoảng 3-6cm, chiều sâu vết nứt khoảng 30-50cm, cá biệt có một vài vị trí sâu đến 60cm; vết nứt có xu hướng phát triển thêm cả về chiều rộng, chiều sâu và chiều dài.
Đoạn 4 từ K2+ 720 đến K3+050 dài khoảng 330m, bề rộng vết nứt khoảng 3 đến 6cm, chiều sâu vết nứt 30-50 cm, có chỗ chiều sâu đến 60 cm.
Trong trường hợp vỡ đê thì phạm vi ảnh hưởng lớn; trong đó, khu vực bảo vệ của tuyến đê là khoảng 25 km2 và gần 40.000 người dân đang sinh sống tại các xã, phường gồm: Cao Minh; Nam Viêm; Xuân Hòa; Đồng Xuân (thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc) và Minh Phú; Tân Dân; Hiền Ninh; Thanh Xuân; Quang Tiến; Phú Cường (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội).
Bên cạnh đó có khả năng ảnh hưởng đến công trình hạ tầng quan trọng khác vùng lân cận.Theo phản ánh của người dân, nhiều đoạn sông Cà Lồ đi qua địa phận thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đang dần bị biến dạng, nguồn nước ô nhiễm nặng nề.
Tại đoạn qua phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tình trạng người dân nuôi thủy sản, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên lòng sông diễn ra khá phổ biến. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn khiến nguồn nước của dòng sông bị ô nhiễm.
Việc căng lưới thả cá trên sông của các hộ làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu, thoát nước trong mùa mưa bão. Khi nước cạn, các hộ còn đắp bờ để giữ nước nuôi cá, không cho nước chảy, làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thoát nước kém, ảnh hưởng tới công trình đê./.