Vĩnh Phúc gỡ những điểm nghẽn trong dự án đầu tư công
Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 94 cuộc cưỡng chế thu hồi đất, 22 cuộc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và 2 cuộc bảo vệ thi công.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Công văn 4881/UBND-KT5 ngày19/7/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi xem xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc về việc báo cáo kết quả rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư công, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán về đo vẽ bản đồ thu hồi, giao đất đối với các dự án đã, đang triển khai.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các huyện, Ủy ban Nhân dân các xã và các chủ đầu tư triển khai thực hiện Thông tư số 18/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
[Vĩnh Phúc: Vẫn bức xúc vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải]
Cùng đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đã triển khai hoặc dự toán công trình được duyệt nhưng không có chi phí bảo vệ và phát triển đất lúa theo quy định của Thông tư số 18/2016/TT-BTC nên không có kính phí để thực hiện quy định trên.
Tỉnh cũng giao Sở Tài chính nghiên cứu hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện quyết toán, tất toán đối với công trình, dự án đã quá hạn, chậm quyết toán, bao gồm cả dự án bị thiếu, thất lạc hồ sơ.
Bên cạnh đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể các nội dung vướng mắc về đầu tư công tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc...; nghiên cứu, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án theo mô hình một số tỉnh như thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh...
Thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư.
Điển hình là Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 26/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Sau 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả khả quan và công tác giải phóng mặt bằng được triển khai thực hiện có hiệu quả được coi là tháo gỡ được rất nhiều “điểm nghẽn,” đó là cơ sở quan trọng thúc đẩy phát triển.
Theo ông Lê Duy Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, việc giải phóng mặt bằng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm qua được coi là công việc phức tạp, khó khăn. Vĩnh Phúc đã nghiên cứu, tìm các giải pháp và đặc biệt là ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU.
Kết quả trong năm 2021, tỉnh đã giải phóng mặt bằng được 1.030ha đất, cao gấp 2,5 lần so với năm 2020.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức 94 cuộc cưỡng chế thu hồi đất, 22 cuộc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và 2 cuộc bảo vệ thi công.
Vĩnh Phúc đã ban hành 451 quyết định cưỡng chế thu hồi đất và 146 quyết định cưỡng chế, kiểm đếm tại 78 dự án, gấp 10 lần giai đoạn 2015-2020.
Đây là bước đột phát để tạo đà cho các dự án giao thông, xây dựng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp sớm được triển khai theo đúng kế hoạch, tạo niềm tin với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo, nhất là giải phóng mặt bằng, Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ tịch các Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tập trung tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong công tác giải phóng mặt bằng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được bố trí cho 17 công trình, dự án chuyển tiếp; 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022.
Nguồn vốn đã giao, bố trí đến ngày 15/6 đạt gần 1.600 tỷ đồng; trong đó, trên 530 tỷ đồng bố trí cho các dự án ODA, còn lại là các dự án, công trình trọng điểm khác.
Ngoài các dự án ODA đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 50% kế hoạch, nhiều dự án trọng điểm khác đều có tỷ lệ giải ngân thấp./.