Vĩnh Phúc: Chủ động phòng, chống, kiểm soát bệnh dại trên địa bàn tỉnh

Bệnh dại đang có xu hướng gia tăng số ca tử vong trên cả nước vào mùa Hè, trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại huyện Lập Thạch vào ngày 3/2/2024.

Lực lượng thú y tiêm phòng dại cho chó. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh tăng cường phòng, chống bệnh dại.

Theo thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2023 cả nước ghi nhận 82 người chết do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022.

Tính từ ngày 1/1 đến ngày 20/2/2024, toàn quốc có 17 ca tử vong nghi dại/do dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ 2023.

Bệnh dại đang có xu hướng gia tăng số ca tử vong trên cả nước vào mùa Hè; trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại huyện Lập Thạch ngày 3/2/2024.

Trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế tại Văn bản số 401/SYT-NVYD ngày 22/2/2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn chó, mèo nuôi; xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ kinh phí mua vaccine phòng dại.

Sở phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó mèo, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó mèo nuôi giai đoạn 2022-2025.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại trên động vật; kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh dịch sang người theo quy định Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các đơn vị chức năng tuyên truyền thường xuyên để người nuôi chó, mèo thực hiện nghiêm quy định về quản lý, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài đeo rọ mõm và có người dắt, đảm bảo an toàn ở các khu vực công cộng, tránh để chó cắn người gây hiệu quả nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý tổng đàn chó, mèo; tiêm phòng vaccine và giám sát trên chó, mèo.

Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các nội dung phòng, chống bệnh dại trên người như: đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh; đặc biệt về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền và vận động người dân cần đi điều trị dự phòng; người bị chó, mèo cắn đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng kịp thời.

Sở Y tế tăng cường thông tin rộng rãi để người dân tiếp cận vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người; đảm bảo ít nhất mỗi huyện/thành phố có một điểm tiêm.

Các cơ quan báo chí phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh để người dân đi tiêm phòng kịp thời khi bị động vật nghi dại cắn và tiêm phòng dại cho động vật theo quy định...

Tại Vĩnh Phúc, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những năm gần đây đã có không ít người phát bệnh dại và tử vong.

Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã có hơn 20.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng; từ năm 2021 đến 2023, con số này là hơn 3.600 người./.