Vĩnh Long: Truyền nghề hát bội, gìn giữ di sản trăm năm
Kế thừa những tinh hoa nghề từ ông cha, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm vượt qua những khó khăn, nỗi nhọc nhằn của cuộc sống để giữ nghề và bồi dưỡng những “hạt giống” nhằm truyền nghề, lưu giữ “báu vật.”
Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.
Kế thừa những tinh hoa của nghề từ ông cha, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm đã vượt qua những khó khăn của nghề, nỗi nhọc nhằn của cuộc sống để giữ nghề và bồi dưỡng những “hạt giống” nhằm tiếp tục truyền nghề, lưu giữ “báu vật” của Tổ nghiệp.
Giữ nghề và truyền nghề
Hát bội là một loại hình nghệ thuật sân khấu xuất hiện sớm ở Nam Bộ. Tại Vĩnh Long, từ khoảng cuối thể kỷ XIX đến thế kỷ XX là giai đoạn hát bội cực thịnh, được người dân mong chờ biểu diễn. Ngày nay, dù không còn thịnh hành như trước nhưng loại hình nghệ thuật này vẫn được giữ gìn, bảo tồn và đang dần tìm hướng đi mới để tiếp tục phát huy những giá trị trong đời sống tinh thần của người dân.
Là thế hệ thứ 3 trong gia đình tham gia gánh hát bội Đồng Thinh từng nổi danh ở vùng đất Vĩnh Long, trải qua bao thăng trầm của nghiệp cầm ca, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm là một trong số ít những người còn bám trụ với nghề. Nghệ thuật hát bội đến với ông từ “mối duyên” gia đình. Tuổi thơ gắn liền với gánh hát, ông đã bị tiếng trống, kèn, tiếng vỗ tay thu hút. Năm 13 tuổi, ông chính thức bước lên sân khấu hát bội.
Ông kể lại, hơn 5 thập kỷ gắn bó với nghề, tài sản lớn nhất là những vai diễn ở đủ các thể loại từ kép hài, kép mùi đến kép chính… cùng với những tuồng tích được ông ghi chép cẩn thận xem như “báu vật” gia truyền.
“Từ chỗ đam mê mà mình đến với nghề hát bội. Cũng có những lúc thăng trầm phải rẽ hướng. Thế nhưng nỗi trăn trở với nghề cứ vướng bận mãi nên cuối cùng mình vẫn quay lại với nghề rồi gắn bó đến nay,” Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm chia sẻ.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó, chứng kiến những thăng trầm của nghề, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi công chúng trẻ có thị hiếu đa dạng, thích khám phá những loại hình nghệ thuật mới, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm vẫn quyết tâm theo đuổi nghề hát bội.
Giờ đây, ở tuổi 66, ông vẫn không ngại vất vả, đảm nhận từng vai diễn. Tiếng trống nhạc vang lên, trong ông lại bừng lên lửa nghề. Giọng ca, phong thái, động tác của người nghệ nhân tài hoa này đã để lại ấn tượng đối với nhiều du khách. Với các nghệ nhân trẻ, ông là "cây cổ thụ" trong nghề, làm chỗ dựa để thế hệ trẻ tự tin khi bước lên sân khấu.
Sở hữu năng khiếu thiên bẩm từ gia đình, cô “đào” Nguyễn Phạm Diễm Hằng (21 tuổi, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, cháu nội Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm) lần đầu tiên bước lên sân khấu hát bội khi mới 12 tuổi (đúng dịp ông nội vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú).
Là lớp thế hệ trẻ nhưng trong Diễm Hằng sớm có tình yêu với nghệ thuật hát bội đã được gia đình vun đắp từ nhỏ. Diễm Hằng chia sẻ: “Trong gia đình, em là thế hệ trẻ nhất, đời thứ 5 theo nghề. Mỗi lần xem ông, bà, cha, mẹ biểu diễn, em rất thích nên xin ông nội được học hát bội. Đến nay, em đã có gần 10 năm trên sân khấu hát bội và học được rất nhiều điều. Với em, mỗi lần được đứng trên sân khấu biểu diễn cùng với ông nội đều thấy vinh dự, tự hào trước tình yêu nghề của ông.
Ông nội là người dạy dỗ và truyền lửa nghề cho em. Em theo nghề với mong muốn tiếp nối đam mê của ông, cùng lan tỏa đến nhiều người để những ai yêu thích có thể tìm hiểu, học hỏi và giữ gìn hát bội không bị mai một.”
Đưa hát bội đến gần hơn với công chúng
Năm 2024, “Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hát bội Vĩnh Long giờ đây không chỉ hát ở đình làng, di tích mà còn góp mặt ở những sự kiện, sân khấu lớn như: Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long, sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam-Ấn Độ tại Vĩnh Long… Đây là niềm tự hào và cũng là động lực để các thế hệ nghệ nhân hát bội của tỉnh tiếp tục giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật này.
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm cho biết với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những năm gần đây, hát bội được nhiều người biết đến. Những chương trình hát bội được dàn dựng công phu kết hợp với hoạt động đốt đuốc đi trên đường quê đến đình làng xem hát bội, giao lưu và hướng dẫn các động tác biểu diễn… đã mang đến những hiểu biết và trải nghiệm thú vị cho người xem.
Bên cạnh sự chỉn chu về thần thái, phong cách biểu diễn, ông cho rằng, hát bội cần có những kịch bản “cách tân” hơn để đến gần với khán giả ngày nay. Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm chia sẻ: “Bây giờ mình biểu diễn hát bội cần có sáng tạo hơn, bớt đi những từ ư, ừ. Hát để khán giả nghe được lời, hiểu được câu chuyện.
Tuồng tích hát bội ngày nay phải gần gũi, gắn với tích truyện từ lịch sử Việt Nam, ca ngợi anh hùng dân tộc. Với những bước đổi mới này, hy vọng hát bội ngày càng đến gần với công chúng, không chỉ giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống mà còn mang đến những giá trị văn hóa lịch sử cho người xem.”
Trăn trở với nghề và trách nhiệm của người nghệ sỹ khi nghệ thuật hát bội còn nhiều khó khăn, chưa có thế hệ kế thừa đủ sức duy trì và phát huy, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm vẫn đang miệt mài “đãi cát, tìm vàng,” lựa chọn những người tiếp nối.
Hiện tại, với vai trò là Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát bội thuộc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, Trưởng nhóm hát bội chuyên phục vụ du khách trong và ngoài nước, ông đang ra sức lựa chọn và đào tạo những "mầm non" mới cho hát bội từ những nghệ nhân trẻ yêu mến và mong muốn kế thừa con đường này.
Nghệ nhân Vũ Linh Tâm cho biết hát bội được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia và đang đến gần với công chúng. Đây là vinh dự, tự hào của những người nghệ nhân nhưng gắn với đó là trách nhiệm tìm ra thế hệ kế thừa đủ sức để truyền nghề.
Những năm qua, ông luôn đau đáu vấn đề này và giờ đây cảm thấy nhẹ lòng hơn khi nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long khẳng định được giá trị và sức sống, được ngành chức năng quan tâm, chú trọng công tác tìm nguồn bồi dưỡng đội ngũ kế thừa. Đây sẽ là cơ hội để hát bội Vĩnh Long tìm ra những nhân tố quý, có đam mê, năng khiếu đủ sức gánh vác trọng trách đưa loại hình nghệ thuật này đi xa hơn.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, thời gian qua, ngành đã tạo điều kiện để biểu diễn nghệ thuật hát bội ở nhiều sự kiện, chương trình khác nhau; đặc biệt xem đây là sản phẩm du lịch đặc sắc để đầu tư, quảng bá đến khách du lịch.
Qua triển khai, ngành đã rút kinh nghiệm và xây dựng những chương trình biểu diễn hát bội đủ sức hấp dẫn như rút ngắn thời gian vở diễn xuống còn 20 phút, chỉ lựa chọn những phân cảnh tiêu biểu, có nhiều động tác để dàn dựng trau chuốt, phục vụ du khách; đồng thời tăng cường giao lưu trong hát bội ngày nay. Nghệ nhân biểu diễn là người hiểu rõ tuồng tích, các nhân vật… sẽ trực tiếp giới thiệu, trao đổi, hướng dẫn đến khán giả những động tác, cử chỉ biểu diễn, cách hóa trang để buổi biểu diễn sinh động hơn.
Với sự nỗ lực của tỉnh, ngành chuyên môn và đội ngũ nghệ nhân, vừa qua, "Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long" đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Đây là sự công nhận rất xứng đáng dành cho những đóng góp của bao thế hệ nghệ nhân hát bội của tỉnh; trong đó có sự nỗ lực không mệt mỏi của Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm.
Là nghệ nhân biểu diễn, ông cũng là người đang trao truyền lại nghệ thuật hát bội cho thế hệ trẻ, không chỉ các thế hệ trong gia đình mà còn cho nhiều bạn trẻ khác đang có đam mê với bộ môn nghệ thuật này.
Ông Phan Văn Giàu nhấn mạnh tỉnh Vĩnh Long xác định nghệ thuật hát bội mang tính đặc thù, có nhiều điều kiện để bảo tồn và phát huy. Loại hình nghệ thuật này không chỉ biểu diễn ở đình làng, di tích, các điểm du lịch mà còn ở các sự kiện giao lưu văn hóa. Tỉnh có những nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm và thế hệ trẻ đang quyết tâm theo đuổi nghề.
Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ để nghệ thuật hát bội ngày càng hoàn thiện hơn, có thêm điều kiện biểu diễn và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Ngoài ra, ngành cũng đang xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát bội nhằm khẳng định vị thế của bộ môn nghệ thuật này; có những giải pháp kịp thời để đưa nghệ thuật hát bội phát triển hơn, đến gần hơn với khán giả trong và ngoài nước./.