Vĩnh Long: Công trình Con đường Nghệ thuật Gốm đỏ dài hơn 500m
Điểm nhấn của con đường là tái hiện lại hình ảnh Lò gạch truyền thống được xây dựng từ 20.000 viên gạch tiểu và 500 viên gạch mái chèo, nhằm gợi nhớ đến làng nghề gốm từng một thời thịnh vượng.
Ngày 11/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Ban Tổ chức Festival Nông sản Việt Nam-Vĩnh Long năm 2023 tổ chức khai mạc “Con đường Nghệ thuật Gốm đỏ."
Công trình “Con đường Nghệ thuật Gốm đỏ-Vĩnh Long năm 2023" được thực hiện trên tuyến đường dài hơn 500m, nối đường Võ Văn Kiệt và đường Phạm Hùng, thuộc phường 9, thành phố Vĩnh Long.
Điểm nhấn của con đường là tái hiện lại hình ảnh Lò gạch truyền thống được xây dựng từ 20.000 viên gạch tiểu và 500 viên gạch mái chèo, nhằm gợi nhớ đến làng nghề gốm từng một thời thịnh vượng, được mệnh danh là "Vương quốc Gạch gốm" của vùng.
Cùng với đó là mô hình Ngôi nhà Gốm đỏ được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người dân Nam Bộ ba gian hai chái truyền thống. Ngôi nhà được mô phỏng từ ngôi nhà có thật của ông Nguyễn Văn Buôi (trú tại ở thành phố Vĩnh Long), một nghệ nhân quyết tâm vực dậy một làng nghề truyền thống của địa phương trước nguy cơ bị mai một.
Ngoài ra, con đường còn gây ấn tượng bởi các tiểu cảnh với trên 2.500 đơn vị sản phẩm gốm đỏ nhiều mẫu mã đa dạng, huy động từ 16 đơn vị sản xuất kinh doanh gạch gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết từ những năm 1980, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30km thuộc huyện Long Hồ và huyện Mang Thít hoạt động quanh năm. Hàng ngàn sản phẩm gạch, gốm với mẫu mã, kiểu dáng khác nhau được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ thủ công và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đặc biệt, sản phẩm gốm với màu đỏ đặc trưng từ đất sét đã tạo nét riêng cho gốm Vĩnh Long và đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như châu Âu, Hoa Kỳ, châu Đại Dương, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…
[Độc đáo bộ tác phẩm điêu khắc gốm nghệ thuật "Linh thú thời nay"]
Tuy nhiên, từ những năm 2010 đến nay, các cơ sở gặp nhiều khó khăn khi phải đổi mới công nghệ từ lò nung tròn sang lò nung liên hoàn, chi phí sản xuất cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp, do đó quy mô và công suất hoạt động không còn lớn như trước đây.
Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước doanh thu khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch, gốm truyền thống, kết hợp với phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lò gạch, gốm truyền thống hiện có, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của cộng đồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án “Di sản Đương đại Mang Thít;" đồng thời Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định Chính sách Hỗ trợ Đặc thù Bảo tồn Lò gạch, Gốm. Theo đó, toàn bộ lò gạch, gốm trong vùng Di sản khoảng 3.060ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) được bảo tồn, hiện đã có 364 hộ dân cam kết giữ lại 653 lò.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh “Con đường Nghệ thuật Gốm đỏ Vĩnh Long" là kết tinh của món quà mà tự nhiên đã ban tặng và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, bàn tay khéo léo của bao thế hệ của người dân Vĩnh Long. Đây còn là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này, thể hiện niềm tin và kỳ vọng “Vương quốc Gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Việc xây dựng "Con đường Nghệ thuật Gốm đỏ Vĩnh Long" là dịp để quảng bá các tác phẩm, sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long đến người dân trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế nhằm góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, hướng đến việc thực hiện hiệu quả đề án “Di sản Đương đại Mang Thít," từng bước đưa những sản phẩm Gốm đỏ Vĩnh Long vươn xa, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế./.