Vinatex: Kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc
Theo đại diện Vinatex, nếu không tính năm 2020 đại dịch COVID-19 khiến cho toàn thế giới “đóng cửa” thì 2023 là năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam giảm xấp xỉ 10%.
Mặc dù nhiều yếu tố bất lợi của kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, song năm 2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vẫn kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất, phân phối lớn trên thế giới.
Đây là nhấn mạnh của lãnh đạo Vinatex tại buổi họp về hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động 2023 - định hướng 2024, do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức sáng 8/1.
Tổng cầu dệt may giảm mạnh
Đánh giá của Vinatex cho thấy năm 2023, toàn ngành Dệt May Việt Nam trải qua những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ; trong đó bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… suy giảm mạnh trong năm 2023 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu bao gồm cả dệt may.
Nếu không tính năm 2020 đại dịch COVID-19 khiến cho toàn thế giới “đóng cửa” thì năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi ngành Dệt May Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm xấp xỉ 10%.
Nguyên nhân chính là do tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%, trong khi các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng.
Chia sẻ thêm, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Vinatex cho hay bên cạnh những yếu tố sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng, áp lực của các yếu tố vĩ mô như: tỷ giá, lãi suất, lương tối thiểu cũng tác động tới các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam.
Đơn cử, thu nhập ngành Dệt May Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng), còn lại cao gấp 3 lần ở Bangladesh, gấp trên 2 lần Ấn Độ, gấp 1,8 lần Campuchia, trong khi chi phí tiền lương nhân công chiếm tỷ trọng trên 55% giá thành. Cùng với đó, tỷ giá VND ổn định trong suốt 8 tháng đầu năm 2023, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá 5%, Taka Bangladesh giảm 5,9%, đồng tiền Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 31%. Lãi suất tại Việt Nam 6 tháng đầu năm cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%.
Cùng với đơn giá giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ khoảng 10-14 ngày (giảm 1,5-3,5 lần so với bình thường) đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp dệt may.
“Tổng hợp các yếu tố đã tạo ra những trở ngại hết sức bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%. ” ông Vương Đức Anh cho hay.
Tập trung các giải pháp quản trị
Bước vào tháng đầu năm 2024, nhiều yếu tố về địa chính trị đã tác động mạnh tới bức tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, những bất ổn ở khu vực Biển Đỏ đã đẩy cước vận tải và logistics tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng chưa thiết yếu vẫn hồi phục chậm.
“Dự báo quý 1 chưa có nhiều thay đổi, còn thị trường nguyên liệu vẫn chưa thể dự báo chính xác,” ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may nhấn mạnh.
Theo tính toán của Vinatex, năm 2023, tổng cầu nhập khẩu hàng dệt may năm 2023 giảm 11%, thấp hơn cả năm 2020, mặc dù kinh tế chưa rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó, khả năng phục hồi kinh tế tại nhiều thị trường khác như khu vực EU, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn chưa mạnh mẽ, do vậy để thực hiện mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp trong hệ thống nỗ lực, kiên cường bám trụ hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường.
Bên cạnh đó, để duy trì đơn hàng cho hoạt động sản xuất-kinh doanh, các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh về năng suất và phương thức tổ chức sản xuất so với trước đây khi sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao đã tạo đà cho Vinatex đạt các kế hoạch về sản xuất-kinh doanh.
Nhấn mạnh hơn đến việc nâng cao hiệu suất lao động, ông Cao Hữu Hiếu lưu ý đây là yếu tố then chốt để giữ vững thị trường. Do đó, Tập đoàn liên tục tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ quản lý đến cán bộ nguồn, nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
Ngoài ra, đón đầu xu hướng tiêu dùng bền vững, Vinatex đã tích cực triển khai sử dụng năng lượng Xanh, điện áp mái tại các nhà máy với hơn 25 triệu kWh đã được sản xuất và sử dụng năm 2023 đồng thời các doanh nghiệp ngành May đã nhanh chóng chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường…
Các tiêu chuẩn về ESG (Environmental-môi trường, Social-xã hội và Governance-quản trị doanh nghiệp) đã được Vinatex tích cực triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tập trung thực hiện các cam kết và sáng kiến về ESG, xây dựng năng lực cạnh tranh bằng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với người tiêu dùng và người lao động, cùng với đó là tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn.
“Với định hướng lâu dài, Vinatex luôn chú trọng công tác đào tạo đội ngũ nhân sự để khi có đơn hàng thì chính đội ngũ cán bộ trẻ sẽ triển khai và đạt hiệu quả cao nhất,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Theo kế hoạch, năm 2024, Tập đoàn phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Hiếu cho hay Vinatex tiếp tục kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất-phân phối lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng kiên định xây dựng mục tiêu chiến lược là Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang Xanh, cũng như kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định./.