Vietnam Report: Kinh doanh ổn định, vững chắc trong thời kỳ bão giá

Theo Tổng giám đốc Vietnam Report, để kinh doanh ổn định và vững chắc trong thời kỳ bão giá, doanh nghiệp phải tái định vị lại chuỗi giá trị của mình.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Tôn Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trong báo cáo mới công bố về TOP 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả Việt Nam năm 2022 do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện đã ghi nhận rằng, trong giai đoạn 2020-2022, không chỉ các doanh nghiệp nhà nước mà kể cả khu vực tư nhân đều gặp nhiều khó khăn bủa vây do những biến động về tình hình kinh tế vĩ mô sau đại dịch COVID-19, song trong nguy luôn có cơ và quan trọng ở thời kỳ này là tồn tại để bứt phá.

Những doanh nghiệp có dự trữ nội tại, khả năng thích nghi và sức mạnh đủ để vượt qua thời kỳ này đều là những doanh nghiệp tên tuổi, có tiềm lực tài chính lớn và không ngại thay đổi.

Đơn cử như Vinhomes (VHM), Hòa Phát (HPG), Masan (MSN), Thế giới Di động (MWG), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB)... đều là những tên tuổi quen thuộc và đang đứng đầu trong danh sách Top 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả của Vietnam Report năm 2022.

Khi tỷ giá, lãi suất và lạm phát đều trong xu hướng tăng, thì đương nhiên, giá đầu vào của hầu hết các doanh nghiệp đều tăng. Do đó, việc tăng mạnh giá bán sản phẩm, dịch vụ sẽ là điều không thể tránh khỏi. Tăng giá đồng nghĩa với doanh số giảm cũng sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp tự chủ được đầu vào sẽ giúp biên lợi nhuận được cải thiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát giá bán đầu ra cũng sẽ càng được hưởng lợi khi công suất vẫn không thay đổi nhưng giá tăng có thể tác động khiến kết quả kinh doanh khả quan hơn.

[Vietnam Report: Năm chiến lược cần ưu tiên trong chuyển đổi]

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, để kinh doanh ổn định và vững chắc trong thời kỳ bão giá, doanh nghiệp phải tái định vị lại chuỗi giá trị của mình, phân tích các yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm; đồng thời, xây dựng chính sách giá mới và đánh giá thường xuyên tâm lý khách hàng với chính sách mới.

Lãi suất huy động và cho vay tăng cao trong thời kỳ lạm phát cũng là yếu tố mà các doanh nghiệp phải chú ý khi đưa hệ số nợ về tỷ lệ an toàn để tiết giảm chi phí lãi vay, tăng lượng tiền để dự phòng rủi ro; cũng như chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phải hạn chế thâm dụng vốn lưu động cũng là một chiến lược cần đề cao trong giai đoạn lạm phát. Khi lạm phát tăng cao, tiền bị mất giá, nên số lượng tiền mặt cần thiết cho các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp cũng tăng lên.

Khi mô hình hoạt động yêu cầu phải có lượng hàng hóa tồn trữ lớn thì bắt buộc doanh nghiệp phải liên tục bổ sung hàng dự trữ với mức giá ngày càng cao trong giai đoạn lạm phát, đòi hỏi lượng vốn lưu động cũng phải tăng lên.

Ngược lại, khi hình thức hoạt động yêu cầu lượng hàng tồn kho ít thì doanh nghiệp đó có thể linh hoạt hơn, thậm chí tận dụng giá thấp hiện tại để thu mua nguyên liệu đầu vào cơ bản để tránh giá cao lúc lạm phát. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động đẩy nhanh vòng quay hàng tồn kho, hạn chế để tồn kho quá lâu, thâm dụng vốn lưu động.

Doanh nghiệp cũng cần tập trung xây dựng và phát triển hình ảnh, nâng cao uy tín doanh nghiệp; đồng thời, hoàn thiện lại bộ máy và định vị thương hiệu nhằm tìm kiếm chiến lược phát triển dài hơi để đi qua thời kỳ khó khăn.

Ông Vũ Đăng Vinh cho rằng, chiến lược đầu tiên để phát triển hình ảnh và nâng cao uy tín doanh nghiệp là tập trung vào phát triển sản phẩm, cả về chất lượng, mẫu mã và khả năng nhận diện thị trường. Sản phẩm là cốt lõi của doanh nghiệp.

Khi sản phẩm tốt và được khách hàng đón nhận thì giá trị vô hình mang lại là hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ được gắn kết chặt chẽ vào sản phẩm và nước lên thì thuyền lại lên.

Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phát triển. Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, sẽ có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động.

Chiến lược thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo, truyền thông nội bộ. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, mà còn giúp doanh nghiệp giảm tối đa gánh nặng khi phải thúc đẩy và giám sát người lao động làm việc. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp biết xây dựng chiến lược phát triển nhân lực hợp lý sẽ nâng cao tính ổn định của tổ chức.

Trong bối cảnh lạm phát và biến động, doanh nghiệp chú trọng phát triển nguồn nhân lực còn có thể thu hút nhân tài từ các đối thủ trong ngành.

Cuối cùng, theo ông Vinh, là cần phải minh bạch hóa thị trường vốn, cụ thể là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sau vụ việc của doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, có thể thấy việc huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp trái pháp luật hoặc sử dụng không đúng mục đích không chỉ trở thành đích ngắm của cơ quan điều tra, mà còn khiến uy tín của doanh nghiệp sụp đổ.

Đi cùng với chính sách, doanh nghiệp không nên bỏ qua kênh huy động vốn này mà nên chuyên nghiệp hóa, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tài chính và pháp lý, kết hợp với truyền thông rõ ràng, minh bạch các sản phẩm trái phiếu của mình để thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp và các quỹ đầu tư tài sản, qua đó nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp./.

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)