Vietnam Airlines báo lãi gần 6.300 tỷ đồng trong chín tháng của năm nay

Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp tự thân như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, tối ưu hoá chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… để nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Vietnam Airlines đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế và mở thêm một số đường bay mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhờ khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế, mở thêm các đường bay mới cùng hoạt động khai thác tăng cao trong giai đoạn cao điểm hè, Vietnam Airlines đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3 và chín tháng của năm 2024.

Theo báo cáo tài chính chín tháng vừa được công bố chiều 31/10, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 85.466 tỷ đồng, tăng hơn 24,64% so sánh cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 6.263 tỷ đồng.

Riêng quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 862 tỷ đồng. Mức lợi nhuận đạt được chủ yếu do tiếp tục cải thiện hiệu quả Công ty mẹ và cộng hưởng hệ sinh thái các Công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ quý 3/2024 tăng 19,12% so với quý 3/2023, tương đương tăng hơn 3.470 tỷ đồng. Trong số đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 17,34%, tương đương tăng hơn 3.055,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong chín tháng của năm nay, Vietnam Airlines thực hiện 106.400 chuyến bay an toàn. Vận chuyển hành khách đạt 17,2 triệu lượt, tăng 8,9% so cùng kỳ 2023; Vận chuyển hàng hóa, bưu kiện đạt gần 226.000 tấn, tăng 42% so cùng kỳ 2023. Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa; khai thác trở lại hầu hết các đường bay quốc tế và mở thêm các đường bay mới.

Hãng khai trương các đường bay quốc tế mới Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh-Munich (Đức), Hà Nội/ Thành phố Hồ Chí Minh-Manila (Philippines), Hà Nội-Phnom Penh (Campuchia) và loạt đường bay nội địa như Đà Nẵng-Đà Lạt, Đà Nẵng-Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng-Cần Thơ. Vietnam Airlines khai thác máy bay thân rộng trên các đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc.

Mặc dù thị trường có sự phục hồi nhất định, Vietnam Airlines vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua do hệ lụy kéo dài của COVID-19. Tính đến hết năm 2023, hãng vẫn đang âm vốn chủ sở hữu hơn 17.026 tỷ đồng. Thị trường hàng không tiếp tục đối mặt với các thách thức kéo dài như xung đột chính trị, biến động tỷ giá, nhiên liệu bất lợi, vấn đề triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, chi phí vật tư, phụ tùng, bảo dưỡng, thuê máy bay tăng cao…

Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp tự thân như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, tối ưu hoá chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… Hãng cũng tận dụng tốt đà tăng trưởng của thị trường quốc tế để nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Vietnam Airlines đã hoàn thành đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để hãng sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2035 và đã báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Hành khách làm thủ tục đi máy bay tại quầy của Vietnam Airlines. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đề án, trong năm 2024-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như: tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Bên cạnh đảm bảo hiệu quả kinh doanh, Vietnam Airlines tiếp tục phát huy vai trò của Hãng hàng không Quốc gia khi đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và một số Đại sứ quán tại Việt Nam tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, du lịch… nhằm đồng hành cùng đất nước nắm bắt thời cơ đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới.

Hãng bay đang chuẩn bị sớm kế hoạch hoạt động đáp ứng nhu cầu hành khách quý 4/2024 và đầu năm 2025 như chủ động theo dõi diễn biến thị trường, điều hành tải cung ứng hợp lý trong các giai đoạn thấp điểm, cao điểm dịp Noel và Tết Dương lịch; triển khai công tác tiếp nhận máy bay, dự án đầu tư đội máy bay thân hẹp, triển khai thực hiện dự án chuyển đổi cấu hình máy bay Airbus A321CEO…/.