Vietcombank dự định nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu trong năm 2024
Vietcombank tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 và phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.
Ngày 27/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Theo đó ngân hàng sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức và đang xúc tiến thương vụ phát hành riêng lẻ 6,5% vốn.
Cũng tại Đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, ông Đỗ Việt Hùng - thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank cho hay tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết thêm, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình. Về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập…
Cũng trả lời thắc mắc của cổ đông về khoản nợ xấu có khả năng mất vốn khi cho vay tổ chức tín dụng khác, cụ thể là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), bà Phùng Hải Yến - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay từ 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank (năm 2012 cho vay 10.000 tỷ đồng và năm 2023 cho vay 6.700 tỷ đồng). Theo quy định, các khoản vay này được xếp vào nợ nhóm 5. Tuy vậy, trong quý 1/2024, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về chỉ còn 1.000 tỷ đồng.
Tại Đại hội, ông Đỗ Việt Hùng cho biết năm 2024 Vietcombank tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 và phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.
Về kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn, ông Hùng cho biết Vietcombank đang thu xếp, có thể sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu với nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước trong năm 2024 và kỳ vọng sẽ hoàn thành thương vụ từ nay đến năm 2025.
Trong tờ trình tới các cổ đông, Vietcombank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng riêng lẻ năm 2023 là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng.
Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) không được nêu trong văn bản đồng thời ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức.
Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố kế hoạch tương tự về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022 đồng thời Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018.
Về định hướng chiến lược, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, theo chiến lược của ngân hàng đến năm 2025-2030 định hướng 4 trụ cột: bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và ngân hàng đầu tư. Trong đó, yếu tố mới là ngân hàng đầu tư và dù ngân hàng không đề cập đến bán buôn, nhưng lĩnh vực này rất quan trọng, hỗ trợ 4 trụ còn lại.
Tổng giám đốc Vietcombank cho biết thêm, thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại chiếm 19,2%, cao nhất trong nhiều năm vừa qua. Hoạt động kinh doanh vốn kỳ vọng sẽ chiếm 16%-20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm 2025. Để đạt mục tiêu này, khối bán buôn rất quan trọng trong hỗ trợ, phối hợp với khối vốn và thị trường.
Ông Tùng chia sẻ, trong năm 2024, Vietcombank sẽ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, tài chính tốt dự án trọng điểm quốc gia, trọng yếu kinh tế. Đầu tháng 5/2024, các ngân hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho sân bay Long Thành với quy mô 1,8 tỷ USD. Riêng Vietcombank sẽ tài trợ 1 tỷ USD, BIDV và VietinBank là 800 triệu USD.
Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, huy động vốn thị trường 1 dự kiến cũng tăng 8% và được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng được giao. Ước tính, tổng huy động thị trường 1 có thể đạt 1,52 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng gần 16%; nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%; lợi nhuận tăng 4,8% (khoảng 42.000 tỷ đồng)./.