Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại
Chuyên gia cho rằng còn nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư, thương mại hai chiều giữa hai bên. Doanh nghiệp Trung Quốc rất lạc quan về sự phát triển kinh tế Việt Nam và rất nhiều cơ hội kinh doanh mới.
Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo hai nước, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trên các lĩnh vực đã đạt được sự phát triển nhanh chóng.
Năm 2023, Trung Quốc và Việt Nam đã thiết lập một cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, điều này tiếp tục vạch ra lộ trình phát triển quan hệ song phương giữa hai nước trong tương lai.
Đó là đánh giá của ông Sử Trung Tuấn, Tổng thư ký Trung tâm Trung Quốc-ASEAN khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung Quốc về quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Ông Sử Trung Tuấn cho rằng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những năm gần đây rất toàn diện và sâu rộng. Đặc biệt về lĩnh vực kinh tế và thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các nước ASEAN. Đồng thời, hiện có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã hoặc đang có kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Lĩnh vực giao lưu nhân dân, từ giáo dục, giao lưu thanh niên, sinh viên, giáo dục nghề nghiệp đến trao đổi khách du lịch… đều đang trên đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chuyên gia trưởng về hợp tác thương mại Trung Quốc-ASEAN, cũng đánh giá dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Trung-Việt đang mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Hai bên đang thực hiện hiệu quả các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao và chính phủ hai nước đã đạt được, nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều cam kết tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế giữa hai bên, qua đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của hai bên cũng như trong khu vực, giúp hai nước tận dụng tối đa các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Ông Hứa Ninh Ninh cho rằng còn nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư, thương mại hai chiều giữa hai bên. Các doanh nghiệp Trung Quốc rất lạc quan về sự phát triển kinh tế của Việt Nam và rất nhiều cơ hội kinh doanh mới.
Mới đây, ông đã dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp Trung Quốc với khoảng 150 thành viên, trong đó khoảng 50% là các chủ tịch và tổng giám đốc các doanh nghiệp đến thăm Việt Nam.
Trong các cuộc tọa đàm, doanh nghiệp hai nước đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác và tiến hành các hoạt động kết nối, đàm phán rất cụ thể, điều này khẳng định đầy đủ các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Hứa Ninh Ninh cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc rất sẵn sàng đầu tư, phát triển và khởi nghiệp tại Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đã thu hút được các doanh nghiệp Trung Quốc với hàng loạt chính sách ưu đãi và điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp mang tính chiến lược, toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tiếp thêm sức sống và động lực mới, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục đạt được những điểm nhấn mới trong tương lai.
Hợp tác đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.
Năm 2023, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 77% so với năm trước, đây là mức phát triển rất nhanh.
Ông Hứa Ninh Ninh tin tưởng rằng trong thời gian tới, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hiệu quả, đi vào chiều sâu và thực chất.
Là người có thời gian 40 năm làm việc liên quan đến Việt Nam và có 23 năm công tác tại Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm - nguyên Tham tán Công sứ, Phụ trách Kinh tế-Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đánh giá trong thời gian qua, quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD và 7 tháng đầu năm 2024 đạt 112,6 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh, đạt 4,47 tỷ USD trong năm 2023 và 1,524 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024./.