Việt Nam và Canada hợp tác hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số

Dự án TAP-EDM của Canada nhằm hỗ trợ Hội đồng dân tộc trong việc đưa ra các chính sách đảm bảo đời sống đồng bào dân tộc, người trực tiếp sống với rừng, nhưng vẫn bảo vệ, phát triển rừng và đất rừng.

Đoàn Hội đồng dân tộc Quốc hội Việt Nam làm việc tại Alinea. (Ảnh: Hà Linh/TTXVN)

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Chính phủ Canada thông qua Bộ Ngoại giao cùng Dự án TAP-EDM, đoàn Hội đồng dân tộc Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm làm việc và nghiên cứu tại Canada từ 3-13/12 về các chính sách giao đất, giao rừng, quản lý đất đai tài nguyên rừng và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong tuần đầu tiên, đoàn đã có các buổi làm việc và trao đổi kinh nghiệm thực sự hiệu quả tại Alinea, nơi quản lý Dự án TAP-EDM (Đối tác hỗ trợ kỹ thuật và Cơ chế triển khai chuyên gia), cùng một số bộ ngành liên quan tới công tác quan hệ với người bản địa và quản lý tài nguyên thiên nhiên của Canada.

Dự án TAP-EDM là một sáng kiến triển khai trên toàn cầu tập trung vào người dân tộc thiểu số và các chính sách lâm nghiệp. Đây là dự án thứ hai của Canada dành cho Việt Nam với mục tiêu cải thiện năng lực của các cơ quan chính quyền ở Việt Nam. Cụ thể là hỗ trợ Hội đồng dân tộc trong việc đưa ra các chính sách đảm bảo được đời sống của đồng bào dân tộc, những người trực tiếp sống với rừng, nhưng vẫn bảo vệ và phát triển được rừng và đất rừng.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Giám đốc dự án TAP-EDM Christopher Yeomans cho biết đây là một dự án rất thú vị, một dự án mang tính chính trị nhằm giúp các đại biểu Quốc hội Việt Nam hiểu hơn về quá trình thực hiện, đồng thời chia sẻ một số thông lệ mà các nhà lập pháp hay Chính phủ Canada đang triển khai để có thể hộ trợ áp dụng tại Việt Nam nhằm giúp đỡ người dân tộc thiểu số.

Ông này cho rằng Alinea rất may mắn khi được làm việc với Việt Nam như một phần trong quan hệ giữa hai nước. Hiện Canada có quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam và đây là một trong nhiều sáng kiến cũng như dự án của Chính phủ Canada tại Việt Nam.

Giáo sư Đại học McGill Jon Unruh, cố vấn dự án TAP-EDM, cho biết Canada đang triển khai các công cụ và biện pháp kỹ thuật để các nhóm dân tộc thiểu số có thể tham gia vì sự thịnh vượng của đất nước.

Theo ông, điều này được thực hiện bằng cách liên kết luật pháp, chính quyền và các ngành liên quan với các mục tiêu và nguyện vọng của người dân tộc bản địa thành một thỏa thuận hợp tác, nơi thịnh vượng sẽ được tạo ra và lợi ích được chia sẻ giữa các bên.

Đây cũng là những điều đang được trao đổi lại lại với đoàn Hội đồng dân tộc Quốc hội Việt Nam. Thông qua Dự án TAP-EDM, có thể đánh giá được tác động của các quá trình cải cách đất đai với người dân tộc thiểu số, đảm bảo rằng các quá trình này vẫn liên quan và phù hợp với bối cảnh chính sách Việt Nam.

Dự án cũng nhằm mục đích thể hiện sự tôn trọng đối với cộng đồng dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi việc tái định cư và việc tiếp tục phát triển đất rừng truyền thống.

Đoàn Hội đồng dân tộc làm việc với đại diện Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Canada. (Ảnh: Hà Linh/TTXVN)

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Việt Nam Quàng Văn Hương nhận xét các chính sách của Việt Nam cũng tương tự như Canada là hướng tới việc rút ngắn khoảng cách phát triển để hỗ trợ đồng bào dân tộc. Ông cho rằng do quá trình hình thành và phát triển khác nhau, quá trình thực thi và giải quyết vướng mắc khác nhau và kinh nghiệm của Canada sẽ giúp cho đoàn Hội đồng dân tộc nhận diện được điểm tương đồng và điểm khác biệt để từ đó xây dựng chính sách pháp luật có tính khả thi trong cuộc sống.

Đại biểu của hai bên đều có quan điểm chung rằng quá trình hình thành và phát triển của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam và người bản địa tại Canada là khác nhau, nhưng việc xây dựng chính sách và pháp luật đều hướng tới sự hòa hợp nhằm vừa đảm bảo cuộc sống của bà con vừa đảm bảo thực thi quy định của pháp luật, đồng thời rút ngắn khoảng cách để hỗ trợ đồng bào dân tộc.

Giáo sư Unruh cho rằng Canada đã đưa ra những ví dụ điển hình nhất trong quá trình trao đổi để đoàn Việt Nam có thể xem xét các khía cạnh kỹ thuật của những câu chuyện thành công đó và cân nhắc áp dụng với Việt Nam. Ông cũng cho biết, tới tháng 1/2025, Canada sẽ tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà Nội để tổng kết lại dự án và vạch ra những hướng đi tiếp theo.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Việt Nam, dự kiến sau chuyến đi này, Hội đồng dân tộc sẽ tổ chức một phiên giải trình với các bộ ngành liên quan để nêu ra những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách và kiến nghị các bộ ngành sớm điều chỉnh chính sách nhằm sát thực hơn với thực tiễn, giúp cho các chủ trương của Đảng đến được với đồng bào dân tộc nhanh hơn, tốt hơn.

Dự án không những hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng chính sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam mà còn thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và sự hỗ trợ của Chính phủ Canada dành cho Việt Nam, quốc gia được xem là một trong những trung tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada.

Tuần tới, đoàn Hội đồng dân tộc sẽ tiếp tục chương trình thăm làm việc và nghiên cứu theo Dự án TAP-EDM tại Vancouver, nơi cũng đang thực hiện tốt các chính sách dành cho cộng đồng người bản địa của Canada./.