Việt Nam và các "ông lớn" càphê Italy chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn kết nối
Diễn đàn kết nối công nghiệp càphê Việt Nam-Italy là sự kiện kinh tế quy mô, quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức nhằm kết nối hợp tác và thiết lập quan hệ đối tác giữa hai "cường quốc" càphê.
Chiều 9/10 (giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với các đối tác Italy và Việt Nam tổ chức Diễn đàn kết nối công nghiệp càphê Việt Nam-Italy, hoạt động chính trong khuôn khổ Ngày càphê Việt Nam-Italy, tại thành phố Turin, miền Bắc Italy.
Đây là sự kiện kinh tế quy mô, quan trọng và nhiều ý nghĩa, lần đầu tiên được tổ chức nhằm kết nối hợp tác và thiết lập quan hệ đối tác giữa hai "cường quốc" càphê.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tham dự Diễn đàn có gần 100 người, trong đó có Phó Thị trưởng thành phố Turin, bà Michela Favaro, cùng các lãnh đạo, đại diện các hiệp hội, công ty, tập đoàn công nghiệp càphê hàng đầu Italy và Việt Nam, như ông Luigi Morello, Chủ tịch Viện càphê Espresso Italia, ông Omar Zidarich, Chủ tịch Hiệp hội Rang càphê Italia (GITC), ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội càphê cacao Việt Nam (VICOFA).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia xuất khẩu càphê lớn thứ hai thế giới với nhiều loại càphê khác nhau, trong đó xuất khẩu càphê Robusta đứng đầu thế giới. Trong khi đó, Italy là thị trường nhập khẩu càphê hạt lớn thứ ba thế giới.
Theo Đại sứ Dương Hải Hưng, Diễn đàn là cơ hội quý để hai bên khai thác hiệu quả tiềm năng, kết hợp sức mạnh, tính tương hỗ và bổ trợ lẫn nhau của ngành công nghiệp càphê hai nước, thiết lập các quan hệ đối tác và hợp tác cụ thể trong các khâu của chuỗi cung ứng như sản xuất, chế biến, xây dựng, nhượng quyền thương hiệu, liên doanh, đầu tư, phân phối sản phẩm, cung ứng máy móc thiết bị, trao đổi kinh nghiệm, thị hiếu và xu hướng sản phẩm, để cùng nhau phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu và lợi ích của cả hai bên.
Về phần mình, Phó Thị trưởng thành phố Turin, bà Michela Favaro cho biết Italy nổi tiếng với văn hóa càphê và các công thức chế biến tuyệt hảo như espresso, cappuccino, macchiato...
Bà Favaro chúc Diễn đàn thành công trong việc kết nối các doanh nghiệp hai bên, thông báo về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thị trưởng thành phổ Turin và hy vọng quan hệ hai bên có sự gia tăng mạnh mẽ, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Sau đó, những người tham dự đã được nghe ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội càphê cacao Việt Nam (VICOFA), giới thiệu tổng quan về ngành công nghiệp càphê Việt Nam, tuy có thời gian phát triển chưa dài, nhưng đã được khẳng định trên thế giới về quy mô diện tích, năng suất, sản lượng. Tổng sản lượng càphê Việt Nam bình quân hàng năm khoảng 28-30 triệu bao (bao 60kg).
Tại diễn đàn này, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu càphê Italy có thể nắm bắt và hiểu biết hơn về tình hình sản xuất chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu càphê Việt Nam.
Còn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu càphê Việt Nam có cơ hội tiếp xúc giao lưu kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp trung gian, các nhà rang xay, các nhà phân phối và các thương nhân trong chuỗi càphê tại Italy, nhìn nhận và đánh giá nhu cầu và thị hiếu tiêu thụ càphê của các doanh nghiệp môi giới, nhập khẩu, nhà rang xay cũng như của người tiêu dùng Italy.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Omar Zidarich, Chủ tịch GITC khẳng định Diễn đàn này là một sự kiện rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều vấn đề khó khăn liên quan giá càphê bởi nhiều lý do khác nhau.
Ông nói: “Các thành viên thuộc hiệp hội chúng tôi mong muốn được tiếp cận những thông tin do các nhà sản xuất, xuất khẩu càphê cung cấp trực tiếp. Tôi cho rằng những buổi hội thảo như ngày hôm nay, nơi Ngài Đại sứ bày tỏ thái độ sẵn sàng trao đổi, đã cung cấp tất cả những thông tin cần thiết, đề cập triển vọng và các yếu tố có thể tác động gây bất ổn đến thị trường càphê. Do đó, đây chính là đối thoại trực tiếp, chân thành của chúng tôi với một đối tác rất quan trọng như Việt Nam.”
Trong phần kết nối công nghiệp càphê hai nước, các “ông lớn” trong ngành càphê Italy như tập đoàn Lavazza, công ty Interkom, đã chia sẻ tầm nhìn và hiểu biết về càphê, máy móc và công nghệ chế biến càphê, các thương hiệu càphê Italy, xu hướng thị trường và thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu hợp tác với Việt Nam. Các doanh nghiệp Italy đều bày tỏ ý kiến sẵn sàng đào tạo chuyên gia ngành càphê cho Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Fabrizio Munegato, đại diện tập đoàn Lavazza nói: “Diễn đàn hôm nay là những cơ hội thiết thực nhằm tăng cường các mối quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp càphê Việt Nam và các đối tác nhập khẩu Italy. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu càphê rất quan trọng trên thế giới và đặc biệt là đối với Italy, nơi càphê được xem là một thức uống yêu thích của mỗi người dân.
Sự kiện được tổ chức ngày hôm nay thật sự ý nghĩa, giúp các bên gặp gỡ và cùng nhau đưa ra các giải pháp cho một số khó khăn chung hiện nay trên thị trường thế giới, cả trong lĩnh vực logistic cũng như việc sản lượng sụt giảm. Tuy nhiên, Việt Nam luôn thể hiện rõ năng lực trong sản xuất càphê, cũng như trong khả năng cạnh tranh nói chung. Chắc chắn, đó là một điểm mạnh mà chúng tôi tin rằng sẽ tiếp tục được duy trì và có thể mang đến động lực để tăng cường, làm nổi bật hơn nữa các mối quan hệ của chúng ta”.
Còn các công ty càphê Việt Nam, như công ty Vĩnh Hiệp, công ty Simexco, công ty Olympic, đã giới thiệu năng lực cung cấp càphê ra thị trường quốc tế của Việt Nam, nêu ra nhu cầu về máy móc và công nghệ của Italy trong chế biến càphê, cũng như nhu cầu đầu tư, liên doanh và hợp tác.
Phát biểu với phóng viên TTXVN, ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam nhấn mạnh rằng đây là một sự kiện đánh dấu cho sự vươn mình của các cộng đồng doanh nghiệp càphê Việt Nam khi được tiếp cận với Italy, một thị trường trọng yếu của châu Âu.
Ông Bạch Thanh Tuấn nói: “Việc một nước sản xuất nguyên liệu lớn như Việt Nam hợp tác với một thị trường tiêu thụ có công nghệ chế biến và tư duy marketing tốt như Italy, thì điều đó sẽ tạo ra giá trị gia tăng gấp đôi cho hai bên. Cơ hội cho các doanh nghiệp Italy khi hợp tác với Việt Nam cũng rất lớn bởi Việt Nam là một thị trường lớn của Đông Nam Á cũng như châu Á. Việt Nam có thể là cầu nối để các doanh nghiệp Italy xuất khẩu máy móc, trang thiết bị và các sản phẩm càphê Italy tới các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Hai bên nên duy trì tổ chức diễn đàn này hàng năm và cần trao đổi, tận dụng ưu thế sẽ tạo nên sự thịnh vượng”.
Cùng chung ý kiến với ông Bạch Thanh Tuấn, ông Carlo Odello, Chủ tịch Viện Nếm thử càphê quốc tế (IIAC) đề xuất việc Việt Nam và Italy có thể cùng nhau hợp tác để khai phá thị trường càphê châu Á còn nhiều tiềm năng.
Trong khi đó, Chủ tịch doanh nghiệp càphê Vietnam L'amant Café, ông Thái Như Hiệp nhận xét rằng các doanh nghiệp Việt Nam còn có những hạn chế về chế biến càphê, một lĩnh vực mà các doanh nghiệp Italy rất mạnh. Ông nói: “Đây là một sự kiện rất quan trọng giữa Việt Nam và Italy, khi Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã giúp VICOFA có buổi gặp mặt các doanh nghiệp Italy để trao đổi và tìm hiểu về về các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như hàng rào kỹ thuật, để hai bên có thể hợp tác kinh doanh thuận lợi”.
Càphê du nhập vào Việt Nam cuối thế kỷ 19 và nhanh chóng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng màu mỡ của Việt Nam và đã trở thành thức uống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày nay, càphê là một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2023 là 4,18 tỷ USD, dự kiến năm nay có thể đạt 5-6 tỷ USD, với thị trường ngày càng mở rộng trên toàn thế giới.
Tương tự, càphê là một phần không thể thiếu trong văn hoá Italy. Ngoài tiêu thụ thị trường nội địa, Italy còn là nhà cung ứng càphê rang xay quan trọng cho các nước châu Âu khác. Ngành chế biến càphê tại Italy tạo ra 3,6 tỷ USD doanh thu. Các thương hiệu và ngành công nghiệp càphê nổi tiếng của Italy có ảnh hưởng quan trọng và khả năng thúc đẩy các xu hướng càphê trên toàn thế giới
Càphê không chỉ là thức uống, mà còn là cầu nối của tình bạn, sự giao lưu và sáng tạo giữa Việt Nam và Italy, hai quốc gia không chỉ có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa, mà còn có chung niềm đam mê dành cho càphê./.