Việt Nam và Australia phối hợp nâng cao năng lực quốc tế hóa giáo dục đại học
Chuỗi tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về hợp tác đầu tư và quốc tế hóa giáo dục đại học với sự tham gia của đại diện quản lý, giảng viên tại 44 cơ sở giáo dục đại học.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hôm nay, 11/4, cơ quan này vừa kết thúc chuỗi chương trình tập huấn Dự án quốc tế hóa giáo dục đại học. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục-Đào tạo Australia phối hợp tổ chức từ ngày 25/3.
Chuỗi tập huấn là một trong những hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2023. Đây cũng là chương trình nằm trong khuôn khổ Chiến lược tăng cường hợp tác Việt Nam - Australia.
Chuỗi tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về hợp tác đầu tư và quốc tế hóa giáo dục đại học với sự tham gia của đại diện quản lý, giảng viên cốt cán được giao nhiệm vụ phát triển các chương trình liên kết đào tạo tại 44 cơ sở giáo dục đại học. Chuỗi tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp phối hợp trực tuyến.
Các nội dung tập huấn liên quan đến tổng quan về quốc tế hóa giáo dục đại học và hợp tác về trao đổi sinh viên; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và quốc tế hóa chương trình; đảm bảo chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia; thực hiện nghiên cứu về giáo dục quốc tế; mô hình, chiến lược và hợp tác trong giáo dục xuyên quốc gia; chiến lược và kế hoạch quốc tế hóa giáo dục đại học.
Tại buổi tập huấn, đại diện các nhà quản lý, chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục đại học đã chia sẻ về việc xác định các chiến lược quốc tế hóa chính trong một trường đại học, bao gồm các chiến lược và hoạt động hợp tác quốc tế ở cấp độ trường và cách phát triển kế hoạch quốc tế hóa chiến lược toàn diện, thảo luận về các yếu tố thuận lợi và khó khăn cho quốc tế hóa giáo dục đại học.
Đại diện quản lý, giảng viên cốt cán được giao nhiệm vụ phát triển các chương trình liên kết đào tạo đã trao đổi, nêu ý kiến, giải pháp xung quanh các vấn đề như nguồn lực, các tiêu chí hoạt động, xây dựng phân hiệu các trường đại học tại các quốc gia, thách thức và cơ hội đối với các cơ sở giáo dục đại học...
Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu cho việc giáo dục xuyên quốc gia trong quá trình công tác, ông John Molony, Phó Hiệu trưởng và Phó Chủ tịch phụ trách hợp tác quốc tế, Đại học Deakin cho biết Đại học Deakin luôn chú trọng, xây dựng các chương trình, kế hoạch về sinh viên quốc tế và đưa ra các chủ điểm lớn về quốc tế giáo dục phù hợp với năng lực của nhà trường để phát triển chiến lược quốc tế hóa.
Theo ông John Molony, Đại học Deakin hiểu rằng quốc tế hóa không có nghĩa là toàn cầu hóa và luôn chủ động, đảm bảo nguyên tắc này. Mục tiêu giáo dục của các cơ sở giáo dục là khác nhau và Đại học Deakin lựa chọn tập trung, đầu tư phát triển quốc tế hóa giáo dục tại Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Ông John Molony nhận định việc thu hút sinh viên quốc tế sẽ mang lại nguồn lực cho các nhà trường. Đây cũng là cơ hội để nhà trường có thể thực hiện việc cam kết đối với các đối tác nhằm xây dựng thương hiệu cho chính nhà trường.
Vì vậy, việc hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mà cần có sự nỗ lực với hướng tiếp cận, chiến lược trọng điểm, rõ ràng.
Còn theo Giáo sư Chris Ziguras, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Đại học Melbourne, trong quá trình thực hiện chiến lược và kế hoạch quốc tế hóa giáo dục đại học cần đi cùng sự đánh giá và đo lường bởi các tiêu chí đã đặt ra. Việc đối sánh với những việc đã có trước đó để có sự điều chỉnh, phân bổ nguồn lực phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường cho năng lực cho quốc tế hóa./.