Việt Nam thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa theo Công ước UNESCO
Việt Nam đang thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, gắn với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Việt Nam cần nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm huy động, giải phóng nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để phù hợp với mục tiêu phát triển toàn cầu.
Đó là đề xuất của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Hội thảo tham vấn các bên liên quan về Báo cáo quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020-2023, diễn ra tại Hà Nội, ngày 4/6.
Theo đó, các giải pháp thực hiện được bà Thuỷ nêu ra sẽ gắn với 4 Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, bao gồm: Hỗ trợ các hệ thống quản lý văn hóa bền vững; Dòng chảy cân bằng cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa và gia tăng sự di chuyển của các nghệ sỹ và các chuyên gia văn hóa; Tích hợp văn hóa vào khuôn khổ phát triển bền vững; Thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Bà Thủy nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ cần có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn về các mô hình đầu tư, tài trợ; ưu đãi thuế; mô hình hợp tác công tư (PPP); cơ chế, quy định về dịch vụ công trong quản lý, vận hành cơ sở, tài sản văn hóa; cơ chế, chính sách, quy định đối với tổ chức phi lợi nhuận...
"Việt Nam cũng cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm về các thực hành thành công trong triển khai cơ chế, các chính sách huy động nguồn lực cho các ngành công nghiệp văn hoá từ các quốc gia thành viên UNESCO," bà Thủy nói.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu quốc gia về các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm văn hoá và dịch vụ văn hóa, sáng tạo tiêu biểu của Việt Nam; hình thành một mạng lưới các đô thị sáng tạo tại Việt Nam; phát triển và quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hoá sáng tạo trong môi trường số.
Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh vai trò của cải cách, hoàn thiện thể chế, gắn kết chính sách công nghiệp văn hóa sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế-xã hội quốc gia.
"Nhìn lại giai đoạn 2020-2023, Việt Nam phải đối mặt với khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Lĩnh vực văn hoá bị ảnh hưởng nặng nề nhưng chính trong bối cảnh ấy, lĩnh vực văn hóa được Đảng và Nhà nước Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt," bà Hòa nói.
Cụ thể, ở cấp Trung ương, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đặt ra một loạt các mục tiêu cụ thể cho văn hóa Việt Nam đến năm 2030; trong đó phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm.
Ở cấp độ địa phương, nhiều chính sách quan tâm đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng được một số tỉnh, thành phố ban hành như Hà Nội với Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội thảo, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đối với lĩnh vực văn hoá.
“Trong giai đoạn này, Chính phủ Việt Nam đã tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi để thúc đẩy thực thi Công ước. Văn hoá Việt Nam cũng có bước tiến bộ lớn. Công nghiệp văn hoá, hệ sinh thái văn hoá sáng tạo của quốc gia được phát triển mạnh. Văn phòng UNESCO luôn sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thực hiện Công ước 2005 cũng như các lĩnh vực hợp tác liên quan giữa hai bên,” ông Jonathan Baker nêu rõ./.