Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 220 Hội đồng Chấp hành UNESCO
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác đa phương và vai trò UNESCO; cam kết tiếp tục là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng góp chủ động, tích cực hơn cho công việc chung.
Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn nguồn tin từ Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, trong các ngày 14 -16/10, tại thủ đô Paris, đã diễn ra Phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ 220 Hội đồng Chấp hành UNESCO với sự tham dự của 58 quốc gia thành viên và hơn 100 nước quan sát viên.
Đây là kỳ họp quan trọng vì sẽ bàn các vấn đề mang tính định hướng cho hợp tác UNESCO trong thời gian tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc nhấn mạnh trong thế giới đang ở thời kỳ thay đổi có tính thời đại, hợp tác đa phương trên cơ sở đoàn kết, chân thành, tin cậy giữa các quốc gia cũng như vai trò then chốt của UNESCO và Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đề xuất UNESCO và Hội đồng Chấp hành tiếp tục triển khai các sáng kiến, chương trình thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục, tăng cường hiệu quả Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu; gắn kết văn hoá, di sản vì phát triển bền vững; thúc đẩy khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai… góp phần triển khai kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai (9/2024), hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ những đóng góp của Việt Nam trong khuôn khổ UNESCO như đăng cai thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Cao Bằng, 9/2024), thúc đẩy thoả thuận hợp tác giữa UNESCO với Tập đoàn SOVICO, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo đầu tiên của Việt Nam do UNESCO bảo trợ tại đại học VinUniversity.
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác đa phương và vai trò UNESCO; cam kết sẽ tiếp tục là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng góp chủ động, tích cực hơn nữa cho công việc chung như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định trong chuyến thăm trụ sở UNESCO (7/10/2024).
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu, Trợ lý Tổng giám đốc về Quan hệ đối ngoại và ưu tiên châu Phi Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc về Khoa học tự nhiên Lidia Brito, Chủ tịch Hội đồng chấp hành Vera El Khoury Lacoeuilhe, Chủ tịch Đại hội đồng Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch Uỷ ban liên Chính phủ Công ước di sản văn hoá phi vật thể và Trưởng đoàn một số quốc gia, để thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương.
Tổng Giám đốc UNESCO và các lãnh đạo UNESCO đều bày tỏ đặc biệt vui mừng và rất ấn tượng về kết quả rất thành công của chuyến thăm lịch sử hiệu quả, thực chất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trụ sở UNESCO, nâng quan hệ đối tác lên tầm cao mới.
Lãnh đạo UNESCO và Trưởng đoàn của các quốc gia đều đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp gần 50 năm giữa Việt Nam với UNESCO, cũng như ghi nhận đóng góp quan trọng, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của tổ chức, với tư cách là thành viên cùng lúc của nhiều cơ chế điều hành then chốt của UNESCO; nhấn mạnh vai trò hình mẫu của Việt Nam trong hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng đã các buổi làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Assomo, Tổng Giám đốc Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) Maria - Laure Lavenir, cùng đoàn công tác của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội trao đổi về tăng cường hợp tác trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam, trong đó đặc biệt thúc đẩy việc triển khai quyết định của Kỳ họp 46 của Ủy ban Di sản Thế giới liên quan đến hồ sơ Hoàng Thành Thăng Long.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Hà Kim Ngọc mong muốn các lãnh đạo và Ban thư ký UNESCO quan tâm, hỗ trợ tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc, Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê; Hang Con Moong; Tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo; Mo Mường; Cửu đỉnh Huế, phát huy ý nghĩa Lễ hội vì hòa bình lần thứ nhất (Quảng Trị, tháng 7/2024).
Lãnh đạo UNESCO và ICOMOS cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đề nghị.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc trân trọng mời Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Quan hệ đối ngoại và ưu tiên châu Phi thăm chính thức Việt Nam, kết hợp tham dự Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng UNESCO Hà Nội (10/2024).
Kỳ họp lần thứ 220 của Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 23/10 với chương trình nghị sự trải rộng trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, nhân sự, quản lý và quan hệ đối ngoại./.