Việt Nam tăng cường hợp tác pháp lý với WTO về thương mại quốc tế

Việt Nam nâng cao năng lực pháp lý và hợp tác với WTO qua hội thảo tại Geneva, thúc đẩy thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Ngày 27/5, đại diện Trung tâm Tư vấn luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với tên tiếng Anh là Advisory Center for WTO Law (ACWL), đã tham dự cuộc hội thảo với Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Đại diện một số bộ ban ngành trong nước cũng đã tham dự trực tuyến.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, khai mạc hội thảo, Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác - đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, những thành quả cũng như thách thức khi Việt Nam tham gia WTO.

Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định luôn đánh giá cao và coi trọng những hỗ trợ của ACWL thời gian qua trong việc cung cấp ý kiến tư vấn về pháp luật WTO nói riêng và pháp luật thương mại nói chung cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đại sứ đánh giá cao việc ACWL hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO, cũng như giúp nâng cao trình độ chuyên môn pháp luật thương mại quốc tế cho các cán bộ pháp luật trong nước và cán bộ ngoại giao Việt Nam công tác tại địa bàn Geneva thông qua tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo cung cấp ý kiến tư vấn pháp lý.

Là thành viên của ACWL từ cuối năm 2009, Việt Nam đã tận dụng khá tốt các dịch vụ hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật mà tổ chức này cung cấp.

Trong bối cảnh Mỹ mới đây công bố kế hoạch thuế quan mới, luật sư của ACWL đã đưa ra những phân tích, đánh giá tổng quan về biện pháp thuế đối ứng của Washington trong mối tương quan đối chiếu với các quy định của WTO.

Những biện pháp đơn phương này đã làm gia tăng quan ngại của các thành viên khác của WTO thời gian qua và làm gia tăng số lượng các vụ việc tranh chấp thương mại với Mỹ tại WTO.

Luật sư của ACWL cũng phân tích về một số thoả thuận song phương vừa được thảo luận trong thời gian qua và nhấn mạnh các thoả thuận song phương về tự do thương mại (FTA) sẽ được coi là phù hợp (được miễn trừ khỏi nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc - MFN) nếu tuân thủ quy định của Điều XXIV của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1994 - tức là loại bỏ các hạn chế đối với phần lớn các hoạt động thương mại giữa các bên. Các thoả thuận được thảo luận gần đây chưa được coi là FTA theo định nghĩa này.

Cũng trong cuộc hội thảo, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva - Tham tán công sứ Phạm Quang Huy đã chủ trì phiên thảo luận với mục đích làm cầu nối giải đáp những câu hỏi về mặt pháp lý do của các đại diện một số bộ ngành ở Việt Nam đặt ra.

ACWL là trung tâm được thành lập năm 2001, có nhiệm vụ tư vấn và đào tạo luật WTO, hỗ trợ thủ tục giải quyết tranh chấp WTO cho các nước đang và kém phát triển có yêu cầu cung cấp dịch vụ.

Mặc dù cơ quan phúc thẩm của WTO đang dừng hoạt động từ năm 2019 cho tới nay, nhưng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nói chung vẫn được coi là cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế ưu việt hơn cả trong luật quốc tế hiện đại.

Các tổ chức độc lập như ACWL được đánh giá có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý cần thiết cho các nước đang phát triển và kém phát triển để tạo điều kiện cho những nước này tận dụng được hết những cơ hội mà WTO mang lại./.