Việt Nam mãi trân trọng sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế
Tình đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh đầy vinh quang vì độc lập dân tộc là những điều Việt Nam mãi trân trọng.
Tình đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh đầy vinh quang vì độc lập dân tộc là những điều Việt Nam mãi trân trọng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định khi chỉ còn ít ngày nữa tới Lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết (21/7/1954-21/7/2024).
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta mãi ghi nhớ tình đoàn kết trong sáng, sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia, sự hỗ trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.”
Thật vậy, bên cạnh kênh ngoại giao chính thức, ngoại giao nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối Việt Nam vận dụng triển khai rất hiệu quả, góp phần quan trọng trong chiến thắng của ta tại bàn đàm phán Hiệp định Geneva. Khi đó, chính nhân dân Pháp đã dành cho Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sự ủng hộ vô cùng quý giá.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư Carl Thayer (Australia), một người dành cả đời nghiên cứu về Việt Nam chia sẻ: “Tôi nhớ rằng vào năm 1953, khi tôi tám tuổi và đang sống ở Pháp cùng gia đình, nhiều lần xuống phố tôi thấy dòng người biểu tình, họ gọi chiến tranh ở Đông Dương là “la sale guerre” (cuộc chiến bẩn thỉu). Chính phủ Pháp khi đó phải đối mặt với dân chúng ngày càng bất mãn với “cuộc chiến tranh bẩn thỉu.”
Một cuộc thăm dò dư luận vào ngày 21/11/1953 cho thấy gần 67% những người được hỏi ủng hộ đàm phán hoặc Pháp rút quân.
Theo Giáo sư Thayer, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp tìm đường cứu nước và là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ sự ủng hộ của nhân dân thế giới có vai trò quan trọng như thế nào đối với việc giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ.
“Ngài đã có nhiều bài viết đăng trên báo Pháp, kêu gọi nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.”
Nhà sử học Pierre Asselin (Đại học San Diego State, Hoa Kỳ) cũng đồng tình về tầm quan trọng của đấu tranh ngoại giao trong các công cuộc giải phóng dân tộc. “Trước và trong Hội nghị Geneva, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ của ông đã tiến hành một cuộc “đấu tranh ngoại giao” khá thành công để thu phục bạn bè nước ngoài. Tôi nghĩ điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc buộc Pháp phải đàm phán chấm dứt cuộc chiến chống Việt Minh năm 1954,” Giáo sư Asselin nhấn mạnh.
Ngoài ra, các tổ chức nhân dân ta như Hội Phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động đã cử các đoàn đại biểu tham dự các hội nghị, diễn đàn phụ nữ, công đoàn quốc tế để kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, giúp nhân dân Pháp hiểu rằng dân tộc Việt Nam sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chính nghĩa để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc mình, giống như dân tộc Pháp đã làm như vậy trong cuộc chiến tranh chống phátxít Đức trước đó.
Các tổ chức chính trị-xã hội của nước Pháp như Tổng Công đoàn, Liên đoàn Phụ nữ, Liên đoàn Thanh niên đã cùng nhau lấy chữ ký đòi hòa bình ở Việt Nam; tiến hành míttinh, biểu tình trên khắp nước Pháp, nhất là tại các thành phố lớn; hay tổ chức những buổi họp mặt mang tên “Vì Việt Nam.”
Người lao động tại nhiều nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi như Algeria, Morocco, Tunisia hay Madagascar đã tích cực ủng hộ và chi viện cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam bằng nhiều hình thức.
Công nhân các bến cảng ở Bắc Phi tổ chức đình công không chuyển vũ khí xuống tàu sang Việt Nam. Phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh dũng của nhân dân Việt Nam đã dấy lên mạnh mẽ tại các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar và một số nước tư bản như Tây Đức, Áo, Australia.
Nhiều tổ chức quốc tế như Liên hiệp Công đoàn thế giới và Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra các nghị quyết cực lực lên án thực dân Pháp xâm lược và đòi chấm dứt ngay cuộc chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Nhân dịp 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva ,Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính lịch sử của sự kiện này.
“Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới các nước bạn bè và cộng đồng quốc tế đã đóng góp vào việc ký kết Hiệp định Geneva 1954. Thành quả này đã giúp tất cả tránh khỏi một cuộc đối đầu về quân sự do ảnh hưởng của Chiến tranh Lạnh lan rộng,” Đại sứ Chea Kimtha chia sẻ.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh bài học về đàm phán trong Hội nghị Geneva và kinh nghiệm của Việt Nam trong Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành ngọn đuốc mãnh liệt cổ vũ cuộc đấu tranh quân sự và chính trị trong nhiều chiến dịch chống ngoại xâm và giải phóng ba nước Đông Dương trong năm 1975.
Như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tái khẳng định mới đây, Hiệp định Geneva không chỉ là thắng lợi của Việt Nam, mà còn là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương và cũng là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trong đấu tranh giải phóng dân tộc./.