Việt Nam là thành viên tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng kiểm toán quốc tế
Các SAI đánh giá cao những thành tựu Kiểm toán Nhà nước đạt được trong giai đoạn là Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 và bày tỏ ủng hộ Kiểm toán Nhà nước ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI sắp tới.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, từ ngày 15-21/4, Đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dẫn đầu tham dự Hội nghị chuyên đề lần thứ 26 do Liên hợp quốc và Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) phối hợp tổ chức.
Đoàn công tác Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng đã tham gia các cuộc tiếp xúc song phương và sự kiện bên lề hội nghị.
Hội nghị chuyên đề Liên hợp quốc/INTOSAI là sự kiện được tổ chức định kỳ hai năm/lần tại Vienna (Áo) nhằm tăng cường năng lực cho các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (SAI) thuộc các nước đang phát triển và có nền kinh tế đang chuyển đổi (theo Mục tiêu số 02 của Kế hoạch chiến lược INTOSAI).
Hội nghị năm nay có chủ đề "Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 13 - Hành động về khí hậu: Vai trò, đóng góp và kinh nghiệm của các SAI."
Thông qua trao đổi kinh nghiệm giữa các SAI về các khía cạnh của kiểm toán khu vực công, hội nghị góp phần phát triển các nghiên cứu và phương pháp luận trong lĩnh vực này.
Ở phạm vi liên khu vực, kể từ năm 1971 đến nay, 25 hội nghị chuyên đề về kiểm toán chính phủ đã được INTOSAI tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Hội nghị chuyên đề lần thứ 26 lần này do Tòa Thẩm kế Áo, Tổng Thư ký INTOSAI, Tòa Thẩm kế Liên bang Brazil, Chủ tịch INTOSAI và lãnh đạo Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA) đồng chủ trì, quy tụ hơn 60 SAI trên thế giới và các cơ quan hữu quan.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tiến sỹ Margit Kraker, Chủ tịch Tòa Thẩm kế Áo, nhận định biến đổi khí hậu không chỉ là một thách thức đối với môi trường sống của con người mà còn đặt ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với nền kinh tế, xã hội và chính trị.
Tất cả các quốc gia trên thế giới đang triển khai các hành động tích cực để đối phó với biến đổi khí hậu như giảm thiểu lượng khí thải, chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ rừng và đất đai và thúc đẩy công nghệ sạch.
Tiến sỹ Margit Kraker khẳng định trong bối cảnh trên, các cơ quan kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và đánh giá các chính sách, biện pháp liên quan đến biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính phủ và các tổ chức trong việc thực thi các cam kết về môi trường.
Chính phủ và các tổ chức có thể điều chỉnh chính sách và các biện pháp để ứng phó linh hoạt và hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.
Hội nghị có 3 tiểu chủ đề về (i) kinh nghiệm của SAI trong kiểm toán tác động của biến đổi khí hậu; (ii) chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho kiểm toán hành động về khí hậu; (iii) tăng cường các hành động về khí hậu và tác động của các cuộc kiểm toán biến đổi khí hậu.
Hội nghị tập trung khai thác kinh nghiệm tại các quốc gia tiên tiến, có nền kiểm toán hiện đại như các SAI Pháp, Anh, Croatia, Madagascar, Trung Quốc, Hà Lan và Bồ Đào Nha… thông qua phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với kiểm toán các tổ chức tài chính, kiểm toán ngành sản xuất lương thực theo Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia, kiểm toán tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch…
Trong những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chú trọng triển khai thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường được xã hội quan tâm hoặc lồng ghép nội dung kiểm toán liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong kế hoạch kiểm toán hằng năm của Kiểm toán Nhà nước.
Trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc Kiểm toán Nhà nước tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu, các mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ INTOSAI là cơ hội quý báu để Kiểm toán Nhà nước tăng cường năng lực, hướng tới nâng cao chất lượng kiểm toán trong trong lĩnh vực nêu trên theo Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, góp phần trong nỗ lực chung của chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh bền vững.
Bên cạnh sự kiện chính, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã tiếp xúc song phương với một số SAI thuộc Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhằm tranh thủ sự vận động của các SAI đối với Kiểm toán Nhà nước trong quá trình ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng có buổi làm việc với Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) nhằm trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng và tìm kiếm khả năng hợp tác giữa hai cơ quan.
Với vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng kiểm toán quốc tế, đồng thời tiếp nối sự thành công trong vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2015-2024), Kiểm toán Nhà nước tiếp tục ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2024-2027 nhằm tăng cường năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên của Kiểm toán Nhà nước và nâng cao hình ảnh, tiếng nói của Kiểm toán Nhà nước trong khu vực và quốc tế.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị chuyên đề Liên hợp quốc/INTOSAI lần thứ 26 với SAI Indonesia, SAI Thái Lan, SAI Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và SAI Maldives nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các SAI thành viên ASOSAI.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước bày tỏ sự cảm ơn sự ủng hộ của các SAI trong giai đoạn Kiểm toán Nhà nước đăng cai Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 và đảm đương vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, ghi nhận những đóng góp tích cực của các SAI trong khuôn khổ hợp tác ASOSAI.
Trên cơ sở nền tảng quan hệ hợp tác gắn bó sâu sắc giữa Kiểm toán Nhà nước và ba SAI trên cả bình diện song phương và đa phương, Kiểm toán Nhà nước mong muốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các SAI nêu trên trong việc ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 sẽ được quyết định tại Đại hội ASOSAI lần thứ 16 tháng 9/2024 tại Ấn Độ theo cơ chế bỏ phiếu.
Các SAI đánh giá cao những thành tựu Kiểm toán Nhà nước đã đạt được trong giai đoạn đảm đương vai trò Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021 và cơ bản thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiểm toán Nhà nước trong công tác ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI sắp tới.
Trong buổi làm việc cởi mở với UNODC, giới thiệu về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán điều tra, phòng chống tham nhũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định Kiểm toán Nhà nước có đầy đủ cơ sở pháp lý và thẩm quyền trong công tác kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo các quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Kiểm toán Nhà nước.
Việc nâng cao hiệu lực kiểm toán trong kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước được đặt ra là một trong các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ mong muốn hai cơ quan có thể tăng cường quan hệ hợp tác thông qua trao đổi, chia sẻ các nghiên cứu quốc tế và ấn phẩm của UNODC trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và đề xuất UNODC gợi ý một số hoạt động Kiểm toán Nhà nước có thể đóng góp tích cực cho công việc của UNODC nói riêng và của Liên hợp quốc nói chung.
Đại diện UNODC, bà Brigitte Strobel-Shaw, trưởng Ban Tội phạm kinh tế và tham nhũng, thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với Kiểm toán Nhà nước trong nỗ lực chung tay với chính phủ thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.
Với vai trò là cơ quan giám sát của Liên hợp quốc, UNODC cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu và hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển và thực thi các giải pháp toàn diện trong nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm ngăn chặn tham nhũng. UNODC sẵn sàng chia sẻ với Kiểm toán Nhà nước các hướng dẫn hiện có liên quan đến công tác quản trị rủi ro và phòng, chống tham nhũng.
Bà Brigitte Strobel-Shaw đề xuất với mạng lưới rộng khắp trên 150 quốc gia, UNODC sẽ thúc đẩy sự hợp tác với Kiểm toán Nhà nước thông qua tổ chức đại diện khu vực Đông Nam Á của UNODC được đặt tại Bangkok, Thái Lan, đồng thời bày tỏ hai cơ quan sẽ tích cực phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp thông qua các diễn đàn hợp tác đa phương trong khuôn khổ INTOSAI về chủ đề phòng chống tham nhũng./.