Việt Nam là mắt xích cung ứng mới nổi của Thương mại Điện tử toàn cầu

Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon cho hay nhiều doanh nghiệp Việt đã góp mặt trong cộng đồng nhà bán hàng ngày càng lớn mạnh và Việt Nam là một mắt xích cung ứng mới nổi của Thương mại Điện tử toàn cầu.

Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã góp mặt trong cộng đồng nhà bán hàng ngày càng lớn mạnh này. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).

Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã đạt được những kết quả vững chắc, trong đó 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.

Đây là thông tin được đại diện Amazon Global Selling Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Thương mại Điện tử Xuyên biên giới cấp cao 2023, diễn ra sáng 17/10, tại Hà Nội.

Thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng

Theo đại diện Amazon, trong 1 năm qua, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hàng nghìn doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon, thể hiện qua số lượng đối tác bán hàng Việt Nam tăng 40%.

Kết quả này cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa Amazon và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đồng thời khẳng định sự linh hoạt và bền bỉ của các doanh nghiệp trong nước trong môi trường kinh tế nhiều thách thức.

[Doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử có thể đạt 296 nghìn tỷ đồng]

Nhấn mạnh thêm, theo ông Trịnh Khắc Toàn, đại diện Amazon Glogal Selling, tính đến tháng 8/2023, mặc dù chưa vào mùa tiêu dùng cao điểm, song đã chứng kiến việc bán hàng rất sôi động của các doanh nghiệp Việt trên nền tảng của hãng.

Về tốp 5 các ngành hàng bán chạy trên nền tàng này, ông Trịnh Khắc Toàn thông tin, bao gồm: Ngành hàng nhà cửa; nhà bếp; chăm sóc sức khỏe cá nhân; may mặc và cuối cùng là sản phẩm làm đẹp.

“Về tính bền vững, trong 3 năm liền giữ vị trí đầu trên Amazon là ngành hàng nhà bếp và nhà cửa (gồm: nội thất, sản phẩm bàn ghế ngoài trời), đây là những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam cũng như nhờ bề dày về kinh nghiệm sản xuất,” ông Toàn nói.

Bên cạnh đó, về sự chuyển dịch năm nay, ông Toàn cho hay đó là ngành hàng chăm sóc sức khỏe cá nhân (các sản phẩm thực phẩm chức năng), tiếp đến là ngành hàng làm đẹp khi rất nhiều doanh nghiệp Việt thành công với các sản phẩm trong lĩnh vực này.

Để đóng góp vào sự thành công trên, theo ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling, Thương mại Điện tử là một trong các xu hướng lớn tiếp theo dành cho các doanh nghiệp muốn phát triển toàn cầu. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp địa phương có thể tận dụng xu hướng này một cách nhanh chóng, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và xây dựng kế hoạch tăng trưởng dài hạn.

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling nói về hỗ trợ doanh nghiệp qua Thương mại Điện tử. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chính vì vậy, về kế hoạch thời gian tới, đại diện Amazon khẳng định tiếp tục các nỗ lực để giúp các nhà bán hàng Việt Nam đổi mới, cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng mọi nơi, xây dựng thương hiệu toàn cầu và tăng cường hiện trên trường quốc tế.

“Với việc công bố chiến lược năm 2024 và giới thiệu các công cụ, chương trình mới, chúng tôi muốn tiếp sức cho các nhà sản xuất, thương hiệu và doanh nhân Việt Nam trong mọi giai đoạn của hành trình xuất khẩu và thúc đẩy hơn nữa các cơ hội tăng trưởng,” ông Gijang Seong nói.

Tập trung 3 trọng tâm về thương mại điện tử

Hiện nay, Việt Nam là một nền kinh tế năng động dựa vào xuất khẩu. Kết hợp lợi thế trong việc sáng tạo sản phẩm, năng lực sản xuất và Chuyển đổi Số mạnh mẽ, Việt Nam có khả năng thúc đẩy xuất khẩu bán lẻ qua Thương mại Điện tử một cách hiệu quả.

Ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon-Khối đối tác Bán hàng Quốc tế cho hay hiện có khoảng 2 triệu đối tác bán hàng của Amazon trên khắp thế giới. Sản phẩm do các đối tác bán hàng bên thứ ba chiếm 60% tổng sản lượng sản phẩm bán ra trên Amazon. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã góp mặt trong cộng đồng nhà bán hàng ngày càng lớn mạnh này.

“Việt Nam là một mắt xích cung ứng mới nổi của Thương mại Điện tử toàn cầu. Chúng tôi đề cao năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ Chuyển đổi Số nhanh chóng của Việt Nam, tiếp tục đồng hành thúc đẩy doanh nghiệp Việt thành công cùng Amazon,” ông Eric Brousard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công Thương, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số thông tin thêm, Thương mại Điện tử đã tác động làm thay đổi cách tương tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng, góp phần khắc phục các rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.

“Việc ứng dụng Thương mại Điện tử nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và tạo nhiều điều kiện để phát triển. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để hỗ trợ các doanh nghiệp Chuyển đổi Số cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình ứng dụng thương mại điện tử và vươn ra thị trường quốc tế,” bà Lại Việt Anh cho hay.

Trong vòng 1 năm qua, đã có 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt kênh thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đại diện Amazon Gloabal Selling đã công bố 3 trọng tâm chiến lực trong năm 2024.

Theo đó, Amazon này sẽ tăng cường sự sẵn sàng cho Thương mại Điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan Chính phủ, các đối tác chiến lược để trang bị kiến thức và cung cấp đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; thúc đẩy sự phát triển các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành và nhân rộng các hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng nhà bán hàng.

Bên cạnh đó, Amazon Global Selling Việt Nam sẽ thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, bao gồm kết nối các nhà bán hàng với các nhà sản xuất trong nhiều ngành hàng trên toàn quốc để tạo và mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất từ Việt Nam; Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhanh chóng nắm bắt xu hướng cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

Tiếp đến, hãng cũng giúp nâng cao chất lượng và thành công của nhà bán hàng Việt thông qua tăng cường đầu tư và đào tạo nhà bán hàng; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu; tăng cường mở rộng các hỗ trợ xuyên suốt các giai đoạn xuất khảu trực tuyến (online) của nhà bán hàng, gồm đăng ký và quản lý tài khoản, tối ưu chi phí, logistics và xây dựng thương hiệu.../.

Đức Duy (Vietnam+)