Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Áo trong ASEAN
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Áo sẽ tham dự Diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp và cơ quan chức năng hai nước.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam từ ngày 16-18/4 của Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg, truyền thông Áo đã đồng loạt đưa tin về chuyến thăm, bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm chính thức Việt Nam của một Bộ trưởng ngoại giao Áo sau 28 năm lần này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Áo và Việt Nam đi vào chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn bài viết trên tờ Kronen Zeitung, nhật báo có số ra đầu tiên ở thủ đô Vienna từ năm 1900 và có lượng phát hành lớn nhất ở Áo cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Schallenberg có chuyến thăm tới quốc gia Đông Nam Á này cùng một đoàn doanh nghiệp lớn vào ngày 16/4.
Theo kế hoạch, ông Schallenberg sẽ tới thủ đô Hà Nội vào chiều 16/4 (giờ Việt Nam) và một ngày sau đó dự kiến có các cuộc tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và hội kiến với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tiếp đó, ông Schallenberg cũng sẽ có cuộc làm việc với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Schallenberg là phái đoàn doanh nghiệp gồm đại diện 21 doanh nghiệp lớn của Áo, do Phó Chủ tịch Phòng Kinh tế Áo (WKÖ) Philipp Gady dẫn đầu.
Bài báo dẫn lời ông Gady nhấn mạnh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020, dự kiến sẽ xóa bỏ hầu hết các rào cản thương mại vào cuối thập kỷ này. Với kim ngạch thương mại song phương đạt trên 1,6 tỷ euro, Việt Nam hiện là đối tác kinh tế lớn nhất của Áo trong khu vực ASEAN. Hiện đang có 60 công ty Áo có văn phòng hoặc chi nhánh tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Schallenberg cũng sẽ tham dự Diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp và cơ quan chức năng hai nước. Nhật báo Kronen Zeitung cũng dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết, Áo và Việt Nam bổ sung cho nhau về mặt kinh tế, trong đó Việt Nam có thể đẩy mạnh hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ và máy móc từ Áo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Áo cũng có thể giúp thúc đẩy ngành du lịch ở Việt Nam với công nghệ cáp treo của Áo. Ngoài ra, hai bên cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề. Trước thềm chuyến thăm, Bộ trưởng Schallenberg đã đề cập tới "bước đi chiến lược của Áo tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương."
Ngoài các cuộc thảo luận về chủ đề kinh tế, hai bên cũng được cho sẽ đề cập tới những vấn đề quốc tế khác cùng quan tâm. Bài viết nhấn mạnh rằng do lịch sử chiến tranh đau thương của mình, Việt Nam giờ đây mong muốn củng cố và mở rộng quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, trong đó có Mỹ và Nga.
Nhật báo Vienna (Wienerzeitung) ngày 15/4 đăng bài viết đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Schallenberg là nhằm thúc đẩy sự tham gia của Áo vào quá trình phát triển ở Việt Nam cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì những rủi ro địa chính trị.
Theo bài viết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, chuyển sang nền kinh tế thị trường và Việt Nam đã có sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, hiện thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế và các tập đoàn lớn tới nước này.
[Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Cộng hòa Áo]
Bài báo dẫn lới ông Gady cho biết, Áo muốn tham gia vào sự phát triển bùng nổ ở Việt Nam, tận dụng các cơ hội rất tham vọng mà EVFTA mang lại, trong đó thuế quan dần được loại bỏ và các công ty đang kỳ vọng vào tiềm năng hợp tác ở Việt Nam.
Theo bài báo, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Áo tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam là nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và định vị rộng rãi hơn nhằm hạn chế những rủi ro khi quá phụ thuộc vào một khu vực đơn lẻ, đặc biệt liên quan tới hậu quả cuộc xung đột ở Ukraine và những hạn chế do đại dịch COVID-19.
Bài báo cũng đánh giá, đa dạng hóa là một trong những nguyên tắc chỉ đạo của Việt Nam, trong đó chính trị cũng hỗ trợ thúc đẩy quan hệ kinh tế. Chính phủ Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với những điều kiện khung thuận lợi và hiện tại quốc gia với gần 100 triệu dân này đang có các thoả thuận thương mại tự do với rất nhiều nước.
Bộ trưởng Schallenberg nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam là một phần của bước đi chiến lược hướng tới khu vực, với các mục tiêu chính trị và kinh tế, trong đó Bộ Ngoại giao Áo là "người mở cánh cửa và ủng hộ nền kinh tế xuất khẩu của Áo."
Theo ông, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng, động mạch chủ của nền kinh tế toàn cầu và đồng thời là "trung tâm có sức hút địa kinh tế" và những gì xảy ra trong khu vực có tác động trực tiếp đến an ninh, ổn định và thịnh vượng của châu Âu.
Trang Vienna.at của thủ đô Vienna cũng đăng bài viết cho rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Schallenberg là để đáp lại chuyến thăm của người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn khi ông tới thăm Vienna tháng 9/2022 nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bài báo dẫn lời Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Áo, bà Bita Rasoulian, đánh giá rằng Áo và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về chính sách đối ngoại. Theo bà Rasoulian, Áo và Việt Nam sẽ hợp tác cùng nhau thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thượng tôn luật pháp quốc tế và giải trừ quân bị, trong đó Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.
Bài báo dẫn lời Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cũng nhấn mạnh cam kết đối với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, khẳng định Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông theo các điều ước quốc tế, như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Ngoài các bài báo nêu trên, nhiều trang thông tin khác của Áo như Vol.at (trang thông tin của bang Vorarlberg), volksblatt.at và nachrichten.at (hai trang báo của bang Oberösterreich), news.at,... cũng đăng tin bài đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Schallenberg./.