Việt Nam là điểm đến kinh doanh quan trọng của công ty Hàn Quốc
Theo khảo sát, điểm đến kinh doanh trọng điểm ở nước ngoài của các công ty Hàn Quốc đang thay đổi từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam hiện tại sang thành Mỹ, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.
Kết quả một cuộc khảo sát công bố ngày 8/9 cho thấy điểm đến kinh doanh trọng điểm ở nước ngoài của các công ty Hàn Quốc đang thay đổi từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam hiện tại sang thành Mỹ, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc trong tương lai.
Có thể thấy Việt Nam đang vươn lên là điểm đến trọng điểm được các công ty Hàn Quốc nhắm đến trong chiến lược kinh doanh tương lai.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc đã tiến hành cuộc khảo sát nhu cầu kinh doanh ở nước ngoài đối với 906 tập đoàn, công ty từ ngày 10 đến ngày 30/8.
[Việt Nam-Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số]
Kết quả cho thấy trọng tâm kinh doanh ở nước ngoài của các công ty Hàn Quốc đã chuyển từ Trung Quốc và Nhật Bản sang các thị trường mới nổi là Việt Nam và Ấn Độ.
Đối với câu hỏi cho phép chọn tối đa 3 điểm đến kinh doanh chính, Mỹ xếp đầu bảng với 26,6%, tiếp theo là Trung Quốc với 15,1%, Nhật Bản là 10,8%, Việt Nam là 7,4%, Đức 2,9%, Ấn Độ ở mức 2,3%; tiếp theo là Nga 2,2% và Đài Loan (Trung Quốc) 2,0%.
Tuy nhiên, đối với lựa chọn các quốc gia là điểm đến kinh doanh quan trọng trong tương lai, các công ty xếp hạng Mỹ 22,9%, tiếp theo là Việt Nam 8,7%, Ấn Độ 7,3%, Trung Quốc 7,0%, Nhật Bản 5,2%, Đức 4,1 %, Indonesia 3,8% và Saudi Arabia 3,1%.
Kết quả khảo sát lần này cũng cho thấy các công ty có năng lực xuất khẩu lớn coi Ấn Độ là điểm đến kinh doanh trong tương lai của họ, trong khi các công ty có hiệu suất xuất khẩu tầm trung coi Việt Nam và Trung Quốc là điểm đến kinh doanh trong tương lai.
Các công ty có năng lực xuất khẩu trên 10 triệu USD lựa chọn các quốc gia trọng điểm kinh doanh trong tương lai của họ có thứ tự là: Mỹ 27,3%, Ấn Độ 8,4%, Việt Nam 8,2%, Nhật Bản 5,1% và Trung Quốc 4,5%.
Các công ty có năng lực xuất khẩu dưới 10 triệu USD chọn thứ tự Mỹ 20,5%, Việt Nam 9,6%, Trung Quốc 9,1% và Ấn Độ 7,1%./.