Việt Nam là điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng của nhiều DN ngoại
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) trả lời phỏng vấn về việc thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ hiệu quả giúp doanh nghiệp và hàng Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cùng đó, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.
- Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn chung ở các thị trường xuất khẩu, theo ông, việc Bộ Công Thương chủ trì tổ chức chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" - Vietnam International Sourcing 2023 sẽ mang lại hiệu quả thế nào cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt?
Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh: Trong bối cảnh xung đột thương mại và biến động địa chính trị diễn ra phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, việc kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ngay tại thị trường Việt Nam là hoạt động hết sức quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, và càng có ý nghĩa hơn với mục tiêu trung và dài hạn khi Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng xu hướng đa dạng hóa của chuỗi cung ứng quốc tế.
[Việt Nam vẫn là 1 trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của DN châu Âu]
Thông qua Chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Vietnam International Sourcing 2023 có thể xâu chuỗi, kết nối các nhà sản xuất kinh doanh trong nước với nhà nhập khẩu, kênh phân phối, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Từ đó, tạo ra sự dịch chuyển, tạo chuỗi sản xuất tiêu thụ một cách tốt nhất và có thể mở rộng hoạt động tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp xúc theo quy mô lớn với hàng trăm kênh phân phối và nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới để tìm cơ hội hợp tác với nhà bán lẻ nước ngoài cũng như được trao đổi, phổ biến thông tin và học hỏi kinh nghiệm để hàng Việt có thể tiếp cận các kênh phân phối quốc tế một cách tốt hơn.
Bên cạnh đó, kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài có thể tìm kiếm thêm được nhiều đối tác mua hàng uy tín từ Việt Nam, cũng như thu thập được thêm nhiều thông tin hữu ích về hàng Việt để đa dạng nguồn hàng cho hệ thống phân phối của họ tại thị trường sở tại.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ tiếp cận của doanh nghiệp Việt Nam trước việc hàng loạt Tập đoàn, nhà phân phối lớn và doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ sang Việt Nam tìm kiếm đối tác thông qua sự kiện này?
Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh: Năm 2023 là một năm bản lề, khi cơ hội mới đến với doanh nghiệp của chúng ta từ bối cảnh mới của thị trường thế giới. Sau đại dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều Tập đoàn phân phối bán lẻ đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung bền vững, có sức chống chịu và họ đã lựa chọn Việt Nam là một địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cơ hội đến từ những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cả nước khi đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Ngay sau khi chính thức công bố thông tin về việc tổ chức Chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023, hàng trăm kênh phân phối và nhà thu mua quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm đến với Việt Nam, đồng thời rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và đăng ký tham gia sự kiện.
Đến với Chuỗi sự kiện các nhà mua hàng nước ngoài đã lên danh sách đơn hàng rất cụ thể để tìm kiếm các đối tác Việt Nam. Có những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất nhưng vẫn còn những mặt hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh sản xuất để thích ứng. Ngoài ra, một số mặt hàng một số doanh nghiệp phải kết hợp với nhau mới có thể đáp ứng được đơn hàng về mặt kỹ thuật cũng như về số lượng.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện lần này chủ yếu là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu, có sự đầu tư bài bản, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong số đó, tới thời điểm này mới lựa chọn chiến lược thúc đẩy xuất khẩu qua việc đưa hàng vào các kênh phân phối, bán buôn, bán lẻ lớn của nước ngoài.
Do đó, doanh nghiệp đều kỳ vọng rằng sự kiện không chỉ tạo ra cơ hội để tiếp cận được các kênh phân phối hàng đầu thế giới mà còn giúp doanh nghiệp có được những kinh nghiệm, lời khuyên từ các chuyên gia mua hàng thông qua chuỗi các hội nghị, hội thảo, từ đó tiếp tục đầu tư cho sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm và phát triển bền vững.
- Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, ông đưa ra khuyến nghị gì với doanh nghiệp Việt để đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối lớn cũng như đa dạng hoá thị trường xuất khẩu?
Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh: Để đáp ứng nhu cầu, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, định vị thị trường và khách hàng mục tiêu, từ đó tập trung cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp cho từng thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu bài bản để có thể thích ứng với các yêu cầu của nhà phân phối khi tham gia chuỗi cung ứng.
Việc khẩn trương xây dựng kế hoạch để thích ứng với tiêu chí bền vững cũng cần là ưu tiên của doanh nghiệp trong thời gian tới. Cùng đó, doanh nghiệp cần nỗ lực xanh hóa sản xuất, đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi giá trị. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cũng cần được các doanh nghiệp chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
Như vậy, đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật số, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, sản xuất thông minh, hệ thống xử thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn, thân thiện môi trường.
Hơn nữa, qua đó đảm bảo các quyền lợi cho người lao động là những vấn đề mang tính chiến lược cho doanh nghiệp trong thời gian tới nếu muốn xây dựng thành công vị thế của mình trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Khi hiểu được khách hàng, khi đổi mới sản phẩm, và biết cách kể về doanh nghiệp và sản phẩm của mình bằng câu chuyện thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
- Xin ông cho biết, giải pháp của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như giúp các ngành hàng lấy lại đà tăng trưởng khi xuất khẩu sang khu vực châu Âu-châu Mỹ?
Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin thị trường, tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững, sản xuất xanh, xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ thông qua các cơ chế hợp tác, tiếp tục vận động chính sách với các đối tác thương mại nhằm tháo gỡ các rào cản tiếp cận thị trường để hạn chế tối đa gánh nặng về chi phí cho nhà sản xuất và xuất khẩu.
Đồng thời, yêu cầu các nước đối tác tăng cường đối thoại để làm rõ các yêu cầu, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu và áp dụng lộ trình thực thi phù hợp để doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chuyển đổi; hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để thích ứng với các quy định mới.
Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những đề xuất cụ thể với đối tác thị trường khu vực châu Âu-châu Mỹ, đề nghị phía đối tác hỗ trợ kỹ thuật thông qua các chương trình cụ thể, giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có như vậy mới giúp được doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh được tăng trưởng và phát triển sản xuất, xuất khẩu.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.