Việt Nam, Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nội dung

Trong năm nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nội dung của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác, khôi phục các sự kiện văn hóa, nghệ thuật thường niên.

Đêm nhạc K-Pop ngày 14/5 tại Hà Nội (Ảnh: Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc)

Trong hai ngày 25-26/5, Cơ quan Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc (Korea Creative Content Agency - KOCCA) tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực sáng tạo nội dung.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hong Jeong Yong, Giám đốc KOCCA Việt Nam, cho biết sự kiện kết nối 23 doanh nghiệp Hàn Quốc, 18 doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực truyền hình, nhân vật hư cấu, công nghệ thực tế ảo, game, phim hoạt hình…

Theo ông Hong Jeong Yong, dịch COVID-19 trong hai năm qua đã khiến các hoạt động giao lưu văn hóa, giải trí giữa hai nước bị ảnh hưởng nhiều. Một số sự kiện như liên hoan phim hoạt hình, chương trình biểu diễn nghệ thuật K-Pop đã phải hoãn, hủy.

[Lễ hội 'Con đường văn hóa Hàn Quốc': K-pop, ẩm thực và âm nhạc]

Do đó, ông hy vọng rằng trong năm nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nội dung của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác, khôi phục các sự kiện văn hóa, nghệ thuật thường niên. Cụ thể, KOCCA sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan (Đại sứ quán Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam) tổ chức các buổi chiếu phim hoạt hình miễn phí, các đêm nhạc K-Pop, hội thảo kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo của hai nước…

Ông Hong Jeong Yong, Giám đốc KOCCA Việt Nam (phải). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Là đơn vị nghiên cứu, xây dựng nội dung sáng tạo, ông Hong Jeong Yong rất quan tâm đến tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam và mong muốn hai nước có thể hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

“Việt Nam có bề dày văn hóa lịch sử, là nền tảng để tạo ra nội dung phong phú, thú vị cho công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng được đầu tư về công nghệ,” ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng đóng góp ý kiến rằng Chính phủ Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn để khích lệ các nhà sáng tạo, bảo vệ quyền tác giả, bản quyền tác phẩm, từ đó mới có thể thực hiện mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% cho GDP.

Tham dự sự kiện, ông Phạm Ngọc Bá, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Vic Việt-Hàn (Vic Media) cho hay hội thảo là cơ hội tốt để tìm đối tác, trao đổi bản quyền bởi đơn vị này đang sản xuất chương trình văn hóa, thể thao, du lịch, dạy tiếng Hàn phát sóng trên Đài truyền hình Hà Nội.

“Chúng tôi cũng muốn thông qua hội thảo, tìm những doanh nghiệp Hàn Quốc có thể phối hợp để sản xuất chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam trên các kênh thông tin đại chúng của Hàn Quốc,” ông Bá cho biết./.

Minh Thu (Vietnam+)