Việt Nam-EU nhất trí tiếp tục thúc đẩy, đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới
EU đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và các diễn đàn đa phương, khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên của EU ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 22/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và ông Niclas Kvarnström, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ châu Á-Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-EU trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và Hợp tác Việt Nam-EU (PCA).
Tham dự Phiên họp, về phía Việt Nam có đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về phía EU có đại diện Cơ quan Đối ngoại châu Âu, Tổng vụ Đối tác quốc tế thuộc Ủy ban châu Âu (EC), các Đại sứ, đại diện của Phái đoàn EU và đại sứ quán các nước EU tại Việt Nam.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định EU là một trong những đối tác kinh tế và phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU cũng như quan hệ với các nước thành viên EU; chúc mừng EU đã bầu Ban Lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2024-2029 sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng Sáu vừa qua.
Phía EU đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; chúc mừng Việt Nam vừa bầu Chủ tịch nước mới, bày tỏ chia buồn sâu sắc về việc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần và những thiệt hại của Việt Nam sau cơn bão số 3 vừa qua.
Hai bên đã tập trung rà soát toàn diện tình hình hợp tác Việt Nam-EU. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá quan hệ Việt Nam-EU đang phát triển rất năng động và đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó Ủy ban hỗn hợp là cơ chế quan trọng và hữu hiệu trong việc điều phối hợp tác giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên nhất trí tin cậy chính trị đã được tăng cường thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao cũng như triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cơ chế hợp tác, bao gồm các cơ chế Đối thoại Quốc phòng-An ninh, Ủy ban Thương mại triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), các tiểu ban Các vấn đề chính trị, Phát triển bền vững, Quản trị tốt, pháp quyền và quyền con người trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp.
Phía EU đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và các diễn đàn đa phương, khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên của EU ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bày tỏ mong muốn hai bên nâng quan hệ lên tầm cao mới, mong muốn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ sạch, chuyển đổi số, công nghệ cao, bao gồm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, nguyên liệu thô, đổi mới sáng tạo… trong khuôn khổ các sáng kiến hợp tác với khu vực như Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU.
Các đại biểu tham dự Phiên họp thảo luận nhiều chủ đề chuyên sâu trong các lĩnh vực hợp tác song phương, bao gồm các vấn đề chính trị, hợp tác quốc phòng-an ninh, thương mại-đầu tư, phát triển bền vững, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững, hỗ trợ Việt Nam đáp ứng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định chống phá rừng của EU (EUDR)… và hợp tác về giao thông bền vững trong khuôn khổ Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, nhất là cấp cao nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 (1990-2025), mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, nông nghiệp, môi trường, cũng như các lĩnh vực hợp tác mới; khẳng định sẽ tích cực hợp tác thúc đẩy giải quyết một số tồn tại về quy định và triển khai đầy đủ EVFTA.
Phía EU thông tin cập nhật về các chính sách, quy định mới trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh của EU như CBAM, EUDR, Chỉ thị Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CS3D)..., nhất trí hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các quy định này.
Hai bên chia sẻ quan điểm và mục tiêu đối với các phiên đàm phán quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy các nỗ lực chung phát triển toàn cầu bền vững.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị EU thúc đẩy Nghị viện một số nước thành viên của Khối sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), có tính đến lợi ích của người tiêu dùng EU để sớm gỡ bỏ Thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam; hỗ trợ tối đa về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam triển khai hiệu quả JETP, trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam thiết lập thị trường chứng chỉ carbon có kết nối với thị trường quốc tế và triển khai các dự án về hydrogen xanh.
Phía EU cũng khẳng định EU ủng hộ và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 thông qua triển khai hiệu quả JETP.
Hai bên nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy, đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, vị thế của hai bên; đồng thời trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; chia sẻ lập trường về việc cần tăng cường phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống; nhất trí về tầm quan trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc tại khu vực.
Phía EU đặc biệt đề cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết giảm leo thang căng thẳng ở các điểm nóng; giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, có tính đến lợi ích hợp pháp của các bên.
Hai bên đã trao đổi về các diễn biến an ninh gần đây và nhất trí cần tăng cường đối thoại và tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Về Biển Đông, hai bên bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây và tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không tại khu vực, nhấn mạnh tất cả các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS); khẳng định ủng hộ sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả./.