Việt Nam được đánh giá cao trong thúc đẩy sử dụng AI trong lĩnh vực y tế

Trong bối cảnh Việt Nam đang đi đầu trong thúc đẩy AI, sẽ có những đổi mới mang tính đột phá không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần vào sự tiến bộ của công nghệ y tế trong khu vực.

Hệ thống y tế của Việt Nam đang ngày càng tích hợp các công nghệ AI. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Trang mạng biospectrumasia.com (Singapore) vừa có bài viết về việc Việt Nam xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ then chốt để thúc đẩy nền kinh tế và công bố một loạt quan hệ đối tác, khoản đầu tư và sáng kiến trong lĩnh vực này, đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến ngành y tế và thúc đẩy tăng trưởng của ngành y.

Theo báo cáo của Data Vantage thuộc tổ chức tài chính DealStreetAsia (Singapore), Singapore và Indonesia dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư trong ngành y tế, còn Việt Nam đứng thứ ba, chiếm 3,9% tổng số vốn đầu tư.

Tiến sỹ Andrew Taylor-Robinson, Giáo sư Vi sinh và Miễn dịch học thuộc Đại học VinUniversity, đánh giá: “Hệ thống y tế của Việt Nam đang ngày càng tích hợp các công nghệ AI như học máy và phân tích dữ liệu, để tối ưu hóa các hoạt động lâm sàng và quy trình ra quyết định. Các ứng dụng AI được sử dụng để phân tích dữ liệu y tế nhằm hỗ trợ chẩn đoán và thông báo lựa chọn phương pháp điều trị, do đó giúp bệnh nhân có kết quả tốt hơn và các dịch vụ y tế hiệu quả hơn. Việc này liên quan nhiều đến khu vực tư nhân có nhiều nguồn lực và trang thiết bị, trong khi hệ thống y tế công tụt hậu khá xa. Minh chứng cho việc này là hệ thống y tế Vinmec được công nhận quốc tế, thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup.”

Ngoài ra, có thể kể đến những hãng điển hình trong việc áp dụng AI vào y tế như VinBrain, Gene Solutions, GeneStory, Genetica Company, Thabis, N2TP...

Dù có những bước tiến đầy hứa hẹn, nhưng việc tích hợp AI vào toàn bộ ngành y tế của Việt Nam vẫn gặp phải một số thách thức.

Tiến sỹ Taylor-Robinson cho biết: “Dù đang tiến triển nhanh chóng, nhưng để triển khai AI thành công đòi hỏi sự kết hợp giữa chuyên môn kỹ thuật, tính bền vững về tài chính và cam kết chính trị xã hội. Mỗi yếu tố này đều có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc áp dụng AI. Đối với lĩnh vực y tế tư nhân, tất cả các tiêu chí này hiện đã được đáp ứng, nhưng lĩnh vực y tế công thì không như vậy vì lạc hậu và quá tải. Hơn nữa, trình độ chuyên môn và nghiên cứu về các ứng dụng AI vẫn còn hạn chế so với các nước có thu nhập cao.”

Để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu về AI, Tiến sỹ Taylor-Robinson cho rằng: “Cần có khung pháp lý để giải quyết các mối lo ngại về đạo đức, quyền riêng tư dữ liệu và quản lý chung các công nghệ AI trong chăm sóc sức khỏe, vốn rất quan trọng để xây dựng lòng tin của công chúng và đảm bảo triển khai an toàn các hệ thống AI.”

Bất cứ điều gì liên quan đến công nghệ đều làm dấy lên mối lo ngại về chất lượng và tính an toàn của dữ liệu về bệnh nhân.

Tiến sỹ Taylor-Robinson khẳng định: “Hiệu quả của các thuật toán AI phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dữ liệu, điều này có thể dẫn đến sự thiên lệch và không chính xác trong các bối cảnh lâm sàng. Các chuyên gia y tế trong hệ thống Vinmec được đào tạo bài bản, thường có kinh nghiệm và chứng nhận chuyên môn từ các nước phương Tây, vì vậy đây không phải là vấn đề quá phức tạp trong khu vực tư nhân. Vì không có hệ thống chuyển tuyến trong hệ thống y tế của Việt Nam, các bệnh viện công cấp 3 ở các thành phố lớn đang quá tải và do đó, việc lưu trữ hồ sơ thường vẫn là thủ công. Trong bối cảnh này, việc chuyển sang hệ thống điện tử là một nguyện vọng lâu dài, chứ không phải là ưu tiên cấp bách và do đó, vẫn trong giai đoạn trứng nước.”

Bài báo kết luận trong bối cảnh Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy AI, sẽ có những đổi mới mang tính đột phá không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần vào sự tiến bộ của công nghệ y tế tại khu vực Đông Nam Á./.