Việt Nam dự Hội nghị SOM ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN
Các nước nhất trí cần phối hợp đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi và hỗ trợ hiệu quả ASEAN xây dựng cộng đồng, cùng đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực.
Tiếp tục chuỗi các Hội nghị Quan chức Cấp cao Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (SOM ASEAN), trong ngày 7 và 8/6 tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đã tham dự các Hội nghị SOM ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Các hội nghị đã kiểm điểm tình hình hợp tác và thống nhất định hướng phát triển các khuôn khổ liên quan trong thời gian tới, đồng thời rà soát chuẩn bị cho các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3/EAS/ARF và các Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và EAS tại Lào lần lượt vào tháng 7/2024 và tháng 10/2024.
Hoan nghênh những tiến triển tích cực trong các khuôn khổ ASEAN+3, EAS và ARF thời gian qua, các nước nhất trí cần phối hợp đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi và hỗ trợ hiệu quả ASEAN xây dựng cộng đồng, cùng đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực.
Các đối tác cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cùng ASEAN ứng phó hiệu quả với các thách thức chung và định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và đề cao luật pháp quốc tế.
Tại Hội nghị SOM ASEAN+3, các nước hoan nghênh kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc lần thứ 9 vào cuối tháng Năm vừa qua tại Seoul, cũng như sự ủng hộ của các đối tác này đối với vai trò trung tâm và đoàn kết thống nhất của ASEAN.
Đồng thời, các nước đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của tiến trình ASEAN+3, với ASEAN đóng vai trò chủ đạo, đối với tiến trình liên kết và hợp tác khu vực tại Đông Á.
Các nước nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch Công tác Hợp tác ASEAN+3, làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác hiện có, nhất là thương mại, đầu tư, tài chính, giao lưu nhân dân, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xe điện, năng lượng sạch và tăng trưởng xanh.
Hội nghị SOM EAS tái khẳng định EAS, với ASEAN giữ vai trò động lực chính, là diễn đàn của các lãnh đạo thảo luận các vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực, đồng thời nhất trí cần phát huy hơn nữa vai trò chiến lược của EAS trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Nhận định dư địa, tiềm năng hợp tác EAS còn rất lớn, các nước nhấn mạnh phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động EAS giai đoạn 2024-2028, tập trung vào những lĩnh vực giàu tiềm năng mà ASEAN quan tâm và đối tác EAS có thế mạnh như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững.
Tại Hội nghị SOM ARF, các nước nhấn mạnh nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và tận dụng diễn đàn để thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh cùng quan tâm, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực biến động nhanh chóng, phức tạp, với nhiều thách thức đa dạng và đa chiều.
Các nước rà soát và đánh giá tích cực hiệu quả của các hoạt động đã được triển khai trong năm giữa kỳ 2023-2024, thống nhất danh mục các hoạt động mới cho năm giữa kỳ 2024-2025 để trình Hội nghị ARF lần thứ 31 (7/2024) thông qua.
Thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực tại các hội nghị, các nước chia sẻ quan ngại về những nguy cơ lớn đối với môi trường hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, nhất là căng thẳng gia tăng tại các điểm nóng như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, xung đột Nga-Ukraine, tình hình Trung Đông, vấn đề Myanmar, cũng như các thách thức phi truyền thống đang nổi lên…
Dù còn một số khác biệt trong cách tiếp cận, nhưng các nước đều nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, giảm căng thẳng, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nhiều nước nêu quan ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian qua, nhất là các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới.
Các nước đề cao và khẳng định ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, thúc đẩy nỗ lực của các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phát biểu tại các cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các nước ưu tiên củng cố và phát huy vai trò của các khuôn khổ ASEAN+3, EAS và ARF với ASEAN đóng vai trò trung tâm, đóng góp tích cực cho việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định, thuận lợi cho nỗ lực thúc đẩy hợp tác thiết thực, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng, bao gồm tiểu vùng Mekong, hướng tới tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững…
Trong vai trò đồng chủ trì Cuộc họp Nhóm giữa kỳ ARF về Cứu trợ thiên tai (ISM-DR) giai đoạn 7/2023-7/2026, Thứ trưởng đã chia sẻ kế hoạch các hoạt động sẽ được triển khai thời gian tới; đồng thời thông báo một số hoạt động Việt Nam sẽ đồng chủ trì trong năm giữa kỳ 2024-2025.
Chia sẻ quan ngại của các nước về tác động của các điểm nóng tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định các nước cần đề cao tham vấn, đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đặc biệt các nước lớn, cần phát huy vai trò tích cực, trách nhiệm, đóng góp cho các nỗ lực giảm căng thẳng, tìm giải pháp cho các vấn đề.
Về Biển Đông, Thứ trưởng nhấn mạnh mong muốn của Việt Nam cùng các nước xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Thứ trưởng tiếp tục khẳng định cũng như đề nghị các đối tác tôn trọng và ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, đặc biệt là các nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thượng tôn luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; ủng hộ các nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, và tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đám phán xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Nhân dịp các hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã tiến hành tiếp xúc song phương với các đối tác Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Pakistan và Hàn Quốc để trao đổi về phối hợp trong khuôn khổ các cơ chế ASEAN dẫn dắt, cũng như một số vấn đề hợp tác song phương./.