"Việt Nam đóng góp rất thiết thực cho các cơ chế hợp tác đa phương khu vực"

Thủ tướng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã khẳng định sự tích cực của Việt Nam đóng góp xây dựng tiểu vùng Mekong, góp phần củng cố quan hệ hợp tác với chủ nhà Trung Quốc và các đối tác.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị GMS mở rộng lần thứ 8. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5-8/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công tác này.

- Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10 và Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11?

Thứ trưởng Phạm Thanh Bình: Là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hợp tác tiểu vùng Mekong, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10 và Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11 đã thành công tốt đẹp. Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo đã xác định 3 phương hướng lớn cho hợp tác tiểu vùng như sau:

Thứ nhất, đặt hợp tác tiểu vùng Mekong vào dòng chảy phát triển của thế giới. Xác định tương lai của các nước Mekong gắn với năng lực đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0, tiến bộ khoa học-công nghệ, các hội nghị khẳng định hợp tác GMS, ACMECS và CLMV cần đặt trọng tâm vào chuyển đổi số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các thành viên và xây dựng khuôn khổ chính sách phù hợp.

Là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cũng như xuất phát từ nhu cầu bảo vệ dòng sông chung Mekong quý giá, các nước tái khẳng định cam kết trong hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, xây dựng các nền kinh tế xanh-tuần hoàn.

Thứ hai, tăng cường sức mạnh nội tại của các nền kinh tế. Với mục tiêu nâng cao tiềm lực và năng lực của các nền kinh tế, các khuôn khổ hợp tác GMS, ACMECS, CLMV cần ưu tiên thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, kết cấu hạ tầng cơ sở cả về giao thông, năng lượng và viễn thông, phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, chú trọng tăng cường kết nối kinh tế nhằm mở rộng quy mô, tăng tính bổ trợ, hướng tới một tiểu vùng gắn kết và phát triển.

Thứ ba, củng cố đoàn kết và gắn kết giữa các nước thành viên để cùng ứng phó với những thách thức chung. Với quan điểm “muốn đi xa thì đi cùng nhau,” các nhà lãnh đạo khẳng định quan hệ hợp tác hữu nghị, tình đoàn kết giữa các nước thành viên; nhất trí cùng nhau hiện thực hoá khát vọng chung, tầm nhìn chung về một tương lai tươi sáng với quyết tâm chung, tiếng nói chung và hành động chung.

Đoàn kết và hợp tác còn mở rộng ra toàn ASEAN và với các đối tác phát triển khắp thế giới để tạo sự cộng hưởng sức mạnh và lan toả lợi ích.

Ba hội nghị đã thông qua một loạt văn kiện quan trọng như Chiến lược Đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS đến năm 2030, Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo hợp tác GMS, ACMECS và CLMV.

Các nhà lãnh đạo đã giao các bộ trưởng, các quan chức cao cấp và các chuyên gia sớm xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, có tính khả thi cao trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị ACMECS lần thứ 10. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc trao đổi sâu rộng với những người đồng cấp Lào và Campuchia về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và ba nước trong giai đoạn phát triển mới trên tinh thần tin cậy, đoàn kết gắn bó và thông hiểu lẫn nhau.

Lãnh đạo cấp cao ba nước nhất trí đẩy mạnh triển khai các lĩnh vực hợp tác chiến lược về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, năng lượng, tài chính và giao lưu nhân dân.

- Xin Thứ trưởng chia sẻ những đóng góp nổi bật của Việt Nam tại các hội nghị?

Thứ trưởng Phạm Thanh Bình: Với lịch hoạt động dày đặc, liên tục trong ba ngày rưỡi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn đã khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam đóng góp xây dựng tiểu vùng Mekong, đồng thời góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ nhà Trung Quốc và các đối tác.

Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như thảo luận tại hội nghị. Các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng các văn kiện, chương trình nghị sự của các hội nghị, giúp tạo đồng thuận chung.

Tại các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những đánh giá, nhận định rất sâu sắc, tâm huyết, đồng thời gợi mở tư duy, cách tiếp cận, các ý tưởng mới và các đề xuất thiết thực để tạo bước phát triển đột phá cho cả ba cơ chế hợp tác.

Các đóng góp nổi bật của Việt Nam thể hiện qua ba điểm sau:

Một là, đưa ra nhận định chính xác, kịp thời về những đặc trưng nổi bật của môi trường phát triển và các xu thế lớn, từ đó giúp định vị vai trò, sứ mệnh của từng cơ chế trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng đã đề xuất GMS tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo là trung tâm; ACMECS xác định sứ mệnh mới là xây dựng một cộng đồng các nước Mekong đoàn kết, vững mạnh và phát triển bền vững; và trọng tâm mới của CLMV là tạo đột phá trên cơ sở phát huy nội lực, kết hợp ngoại lực và đoàn kết vượt qua khó khăn.

Hai là, chỉ ra các nguyên tắc, phương châm quan trọng để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên.

Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận “4 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng; cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị CLMV lần thứ 11. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh phương châm “6 gắn kết”: Gắn kết giữa tư duy và hành động; giữa truyền thống và hiện đại; giữa tăng trưởng nhanh với phát triển bền vững; giữa quốc gia với khu vực và quốc tế; giữa chính phủ với người dân và doanh nghiệp; giữa phát triển và duy trì ổn định và bảo đảm an ninh.

Những đúc kết rất sâu sắc này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các lãnh đạo và các đại biểu. Đặc biệt, các đại biểu rất tâm đắc với quan điểm của Thủ tướng về “coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ, đổi mới để bứt phá, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên, đoàn kết thêm sức mạnh.”

Ba là, Việt Nam đã có những đóng góp rất cụ thể, thiết thực cho các cơ chế hợp tác. Tại các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã công bố việc Việt Nam sẽ đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Phát triển ACMECS; và tiếp tục triển khai chương trình học bổng, tiếp nhận sinh viên các nước Campuchia, Lào, Myanmar sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.

- Xin Thứ trưởng cho biết kết quả các hoạt động song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Trung Quốc?

Thứ trưởng Phạm Thanh Bình: Chuyến công tác tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang trên đà phát triển rất tích cực, cả về chất và lượng sau khi hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược (12/2023).

Hơn nữa, hai nước cũng đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của hai Đảng, hai nước.

Trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc hết sức phong phú, với 19 hoạt động song phương, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường; cùng Thủ tướng Lý Cường chứng kiến Lễ trao đổi công hàm thành lập Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh; hội kiến với lãnh đạo tỉnh Vân Nam, thành phố Trùng Khánh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh, Bảo tàng cách mạng Hồng Nham tại Trùng Khánh - nơi lưu dấu chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ; dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc, các chương trình giới thiệu văn hóa du lịch Việt Nam; tiếp một số doanh nghiệp lớn, tiêu biểu của Trung Quốc; và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc.

Trong chuyến công tác, một số bộ trưởng, thành viên đoàn cũng có các cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo đồng cấp Trung Quốc.

Các hoạt động của đoàn đã thành công tốt đẹp. Tại các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và lãnh đạo tỉnh Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây, hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc tiếp tục triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, trong đó có các địa phương Trung Quốc, phát triển ngày càng hiệu quả, thực chất, bền vững, thể hiện rõ nét trên bốn phương diện:

Một là, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lý Cường và các đồng chí lãnh đạo địa phương Trung Quốc đều đánh giá cao xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai Đảng, hai nước và giữa các địa phương hai nước; nhất trí duy trì thường xuyên các hình thức tiếp xúc linh hoạt giữa lãnh đạo cấp cao, các cấp; thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; tổ chức tốt Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2024.

Hai là, tiếp tục làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, củng cố nền tảng vật chất cho quan hệ hai bên.

Hai bên nhất trí phát huy thế mạnh bổ trợ lẫn nhau, tập trung triển khai những dự án lớn, biểu tượng hợp tác mới của quan hệ Việt-Trung. Trong đó coi triển khai ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng) là ưu tiên cao nhất trong hợp tác kết nối hạ tầng chiến lược giữa hai bên.

Ba là, tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố hơn nữa nền tảng xã hội của quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả các hoạt động của Năm Giao lưu nhân văn Việt-Trung 2025, coi đây là cơ hội để đẩy mạnh giao lưu nhân dân và tuyên truyền hữu nghị; thúc đẩy phục hồi du lịch; phát huy hiệu quả các “địa chỉ đỏ” mang dấu ấn cách mạng tại Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây trong giáo dục tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước cho thế hệ trẻ Việt Nam và Trung Quốc.

Bốn là, hai bên nhất trí kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng đến quan hệ rất tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo ba văn kiện về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền trong năm 2024./.