Việt Nam đóng góp định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các đối tác
Tham gia thảo luận tại các hội nghị, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến về định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian tới nhằm đạt được những lợi ích thiết thực.
Ngày 21/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 55, Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã lần lượt diễn ra tại thành phố Semarang, Indonesia.
Tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Đại diện Thương mại Mỹ, các nước ghi nhận tiến độ thực hiện Kế hoạch làm việc triển khai Khuôn khổ Thỏa thuận khung Thương mại và Đầu tư ASEAN và Mỹ (TIFA) và Sáng kiến Hợp tác Kinh tế Mở rộng (E3) giai đoạn 2022-2023 và thông qua Kế hoạch Công tác TIFA và E3 ASEAN-Mỹ giai đoạn 2023-2024, tập trung vào các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), lao động và môi trường, thực hành pháp luật tốt, phát triển nguồn vốn con người, tạo thuận lợi thương mại.
Về hợp tác ASEAN-Trung Quốc, các bộ trưởng nhất trí thông qua sáng kiến của Trung Quốc về tăng cường hợp tác thương mại điện tử song phương với mục tiêu thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp MSME, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các bộ trưởng cũng thảo luận về tình hình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc, hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn tất đàm phán trong năm 2024.
Với Nga, các bộ trưởng ghi nhận tiến độ triển khai Chương trình Hợp tác giữa ASEAN và Ủy ban Kinh tế Á-Âu giai đoạn 2020-2025 cũng như tình hình thực hiện Lộ trình và Chương trình Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga giai đoạn 2021-2025, tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh và công nghiệp; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; khoa học, công nghệ và đổi mới, sở hữu trí tuệ, biến đổi khí hậu, năng lượng, vận tải…
[ASEAN và Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế]
Tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Ấn Độ, các nước nhất trí thông qua các tài liệu chuẩn bị cho việc rà soát, nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA), bao gồm Điều khoản Tham chiếu cho Ủy ban Hỗn hợp Hiệp định AITIGA, Kế hoạch Công tác và Cấu trúc Đàm phán cho việc rà soát.
Các nước cũng thảo luận với Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Ấn Độ về các đề xuất của hội đồng liên quan đến việc thúc đẩy rà soát, nâng cấp Hiệp định AITIGA theo hướng thuận lợi hóa thương mại, đơn giản hóa các hàng rào phi thuế quan bằng cách hài hòa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau, giảm thiểu các yêu cầu ở cửa khẩu, tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, hỗ trợ các MSME... nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ.
Về hợp tác ASEAN-Đông Á, các bộ trưởng dành thời gian trao đổi về tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu và nghe đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á trình bày nghiên cứu “Thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn thông qua số hóa: Chiến lược hành động tập thể ở các quốc gia thuộc Hội nghị Cấp cao Đông Á.”
Tại Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định RCEP, các nước ghi nhận việc Indonesia và Philippines đã hoàn tất việc phê duyệt Hiệp định RCEP trong nước, giúp hiệp định chính thức có hiệu lực với tất cả các nước ký kết.
Các bộ trưởng cũng thông qua các tài liệu liên quan đến việc thành lập Bộ phận Hỗ trợ Thực thi Hiệp định RCEP trong Ban Thư ký ASEAN (RSU), bao gồm Điều khoản tham chiếu của RSU và Tài liệu về việc bố trí kinh phí cho RSU, qua đó tạo cơ sở cho việc thành lập RSU, thúc đẩy việc thực thi hiệu quả hiệp định trong tương lai.
Bên lề hội nghị, các nước cũng chứng kiến Lễ ký Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand giữa 4 nước Indonesia (nước Chủ tịch ASEAN 2023), Brunei (nước điều phối quan hệ kinh tế ASEAN-Australia-New Zealand), Australia và New Zealand.
Các nước còn lại dự kiến sẽ lần lượt ký sau khi hoàn tất thủ tục trong nước của mình.
Tham gia thảo luận tại các hội nghị trên, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến về định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối trong thời gian tới nhằm đạt được những lợi ích thiết thực cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung như củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phát triển kinh tế bền vững.
Kết quả của các hội nghị này sẽ góp phần vào thành công chung của AEM 55 và các hội nghị liên quan./.