Việt Nam có cơ hội lớn để thoát ly xe xăng, chuyển sang kỷ nguyên xe điện

Song song với việc có lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, Việt Nam cũng phải tính toán đến đầu tư hiệu suất mạng lưới điện nhằm cung cấp cho các trạm sạc pin.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã có những khuyến nghị, giải pháp với cơ quan quản lý Việt Nam để có thể hiện thực hóa mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đến năm 2030 có 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt và taxi nội đô đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh và đến năm 2050 tất cả các xe phải dùng năng lượng điện, sạch.

Thị trường xe máy điện lớn thứ 2 thế giới

Tại buổi công bố báo cáo Ngân hàng thế giới (WB) về: “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện" vào sáng 22/11, theo ông Bowen Wang, chuyên gia về giao thông vận tải của WB, trước năm 2035, xe 2 bánh dự kiến vẫn là phương tiện chiếm lĩnh thị trường xe Việt Nam, mặc dù nhu cầu tổng thể có xu hướng giảm.

Ông Wang cũng thông tin thêm, Việt Nam hiện là thị trường xe điện 2 bánh lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, trong đó lượng xe điện 2 bánh chiếm 12% thị phần trong tổng doanh số bán xe 2 bánh. Thị trường cung ứng xe điện 2 bánh ở Việt Nam khá đa dạng và sôi động, với nhiều nhà cung cấp cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Mức đón nhận của người tiêu dùng đối với phân khúc xe này là khá cao, đặc biệt là ở thành thị.

Tùy thuộc vào tốc độ và quy mô triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan, báo cáo của WB chỉ ra quy mô thị trường xe điện 2 bánh sẽ đạt tổng cộng 12 triệu chiếc trong giai đoạn 2024-2035 để đạt mục tiêu hoặc 16 triệu chiếc nếu theo quỹ đạo nhanh hơn, tương ứng với tỷ lệ 42% và 56% tổng doanh số bán xe 2 bánh tại Việt Nam trong giai đoạn này.

“Việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở phân khúc xe hai bánh trong giai đoạn từ nay đến năm 2035,” ông Wang đánh giá.

Xe máy, xe đạp điện đang là phương tiện được nhiều người lựa chọn. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Trong phân khúc xe ôtô con, phía WB nhìn nhận Việt Nam có cơ hội rất lớn để thoát ly khỏi ôtô chạy xăng và dầu diesel thông thường trong quá trình cơ giới hóa, chuyển sang kỷ nguyên của xe ôtô điện.

Mặc dù sở hữu xe hơi vẫn là một điều xa xỉ đối với hầu hết người Việt nhưng ôtô điện đã là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho xe chạy xăng và dầu diesel đối với những người có đủ khả năng mua xe nói chung. Dự báo, sẽ mất thêm một thập kỷ nữa để ôtô điện thay thế xe 2 bánh và trở thành phương tiện chủ đạo tại thị trường tiêu dùng Việt Nam. Trong giai đoạn này, giá xe ôtô điện sẽ ngày càng cạnh tranh với xe ôtô truyền thống do hiệu suất được cải tiến đáng kể.

Do sự thống trị của xe 2 bánh, xe buýt công cộng nội đô chỉ chiếm một phần rất nhỏ về cả tổng lượng xe và tỷ lệ sử dụng phương tiện (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm dưới 10%).

Để đạt mục tiêu 100% xe buýt công cộng nội đô là xe điện vào năm 2030, phía WB tính toán Việt Nam cần loại bỏ 9.600 xe buýt chạy dầu diesel hiện đang hoạt động và sắp hết tuổi thọ. Trong khi đó, cũng cần bổ sung thêm xe buýt điện theo Quyết định 876 của Thủ tướng đến năm 2030, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt cần thêm khoảng 6.000 và 4.500 xe buýt điện.

"Cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cần thúc đẩy hoạt động cung ứng và sản xuất sử dụng xe điện; triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh loại bỏ xe chạy xăng, dầu; triển khai mạng lưới trạm sạc,…," ông Wang nói.

Đầu tư nâng công suất mạng lưới ngành điện

Nhìn nhận hoạt động sạc sử dụng xe điện sẽ ảnh hưởng đến ngành điện lực Việt Nam do làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện, dự báo của WB cho thấy, trước năm 2030, hoạt động sạc xe điện không gây ra áp lực đáng kể cho việc sản xuất điện nhưng tác động của việc này sẽ trở nên rõ rệt sau thời gian này.

Để đáp ứng tải sạc xe điện sau năm 2030, Việt Nam sẽ cần bổ sung trung bình từ 3-5% công suất mạng lưới, tối đa 15% công suất truyền tải bổ sung vào năm 2050 để cho phép điện khí hóa 100% vận tải đường bộ.

Nhằm giảm tác động của việc sử dụng xe chạy điện với ngành điện, Việt Nam phải tăng cường cải thiện hiệu suất mạng lưới điện và sử dụng pin đồng thời thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải hành khách và hàng hóa; hướng đến việc chuyển hoạt động sạc xe điện sang các trạm sạc công cộng vào ban ngày (ngoài giờ cao điểm) càng nhiều càng tốt.

Cụ thể, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần đầu tư lên tới 9 tỷ USD cho ngành điện và giai đoạn 2031-2050 là 14 tỷ USD mỗi năm để sản xuất điện bổ sung và mở rộng mạng lưới.

Một trạm sach pin công cộng dành cho xe ôtô điện.

Quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm tới 498 tỷ USD từ việc nhập khẩu dầu, trong giai đoạn 2024-2050. Chuyển đổi sang xe điện sẽ tạo ra 6,5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất tính đến năm 2050, giảm chi phí thiệt hại về môi trường do ô nhiễm không khí cục bộ với mức giảm là 30 triệu USD vào năm 2030 và 6,4 tỷ USD vào năm 2050.

Ông Shigeyuki Sakaki, chuyên gia cấp cao về giao thông vận tải của WB cho rằng xe máy điện tiêu thụ năng lượng thấp nhưng nhiều người sử dụng ôtô điện trong thời gian tới thì mạng lưới hệ thống điện sẽ phải đáp ứng đủ nhu cầu này để thúc đẩy sự chuyển dịch xe điện tới đây. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần có lộ trình thiết thực và khả thi nhằm phục vụ mục tiêu giảm khoảng 7,2% phần đóng góp của ngành giao thông vận tải vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế.

“Chuyển đổi sang xe chạy điện là một quá trình phức tạp, bao quát một hệ sinh thái đa ngành nên bước đầu tiên thiết là thành lập một cơ quan liên chính phủ để lãnh đạo và điều phối các nỗ lực để tối ưu hóa và chi phí liên quan,” ông Sakaki lưu ý./.