Việt Nam chủ trì lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN tại Nhật Bản
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định: “Sau 55 năm thành lập, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực năng động và thành công nhất trên thế giới.”
Ngày 16/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã chủ trì lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với sự tham gia của các đại sứ/đại biện lâm thời của 10 nước thành viên ASEAN tại Tokyo.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, người đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Tokyo (ACT), khẳng định: “Sau 55 năm thành lập, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực năng động và thành công nhất trên thế giới.”
[Thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế quốc tế]
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, với dân số gần 700 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới hơn 3.200 tỷ USD, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế khu vực.
Trao đổi thương mại của khối ASEAN đã quay lại mức trước đại dịch COVID-19 và nền kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 5,2% trong năm tới.
Quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn, đang ngày càng sâu sắc và thực chất hơn.
Đại sứ nhấn mạnh “các thành tựu to lớn của ASEAN là thành quả của các nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân ASEAN” và “ASEAN đã trở thành tài sản vô giá và lợi ích to lớn của tất cả các nước thành viên.”
Mặt khác, Đại sứ Vũ Hồng Nam cũng đánh giá cao vai trò của ACT kể từ khi thành lập.
Đại sứ cho biết trong lịch sử 44 năm kể từ khi thành lập, các thành viên của ACT luôn tuân thủ nguyên tắc “đoàn kết trong đa dạng.”
Các thành viên ACT thường xuyên gặp gỡ và trao đổi để hỗ trợ lẫn nhau trong việc tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên và với Nhật Bản, cũng như giữa ASEAN và Nhật Bản.
Về phần mình, Đại sứ Campuchia tại Nhật Bản Tuy Ry cho rằng trong 55 năm qua, ASEAN đã chuyển đổi từ một cơ chế lỏng lẻo trở thành một tổ chức gắn kết chặt chẽ và dựa trên quy tắc.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh, trong đó quan trọng nhất là tình hình ở Myanmar, vấn đề Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và xung đột Nga-Ukraine.
Đại sứ Tuy Ry cảnh báo “các vấn đề này có thể gây bất ổn cho hòa bình và ổn định của khu vực nếu các nước ASEAN không thể giải quyết chúng một cách thích hợp.”
Trong bối cảnh đó, Đại sứ Tuy Ry đã nêu ra một số ưu tiên chính trong năm Campuchia giữ vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Ông Tuy Ry nói: “Đối với các ưu tiên thuộc trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, có một số điểm trọng yếu như duy trì và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN vì hòa bình và thịnh vượng; tăng cường đóng góp cho hòa bình thế giới; tiếp thêm sinh lực và mở rộng quan hệ đối tác với các đối tác bên ngoài; làm dịu tình hình ở Myanmar dựa trên Đồng thuận 5 điểm của ASEAN...”
Theo Đại sứ Tuy Ry, một số ưu tiên thuộc trụ cột Kinh tế và Văn hóa-Xã hội gồm bảo đảm thực hiện hiệu quả các sáng kiến ứng phó với dịch COVID-19; thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tăng cường các hiệp định thương mại tự do hiện có; thúc đẩy nền kinh tế số, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, và tăng cường vai trò của phụ nữ; tăng cường kết nối kỹ thuật số và hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ...
Sau lễ kỷ niệm, các đại sứ/đại biện lâm thời của 10 nước thành viên ASEAN đã tham dự kỳ họp lần thứ 311 của ACT.
Được thành lập vào ngày 17/5/1978, ACT là khuôn khổ có sự tham gia của các đại sứ 10 nước thành viên ASEAN. Đây là một diễn đàn để trưởng phái đoàn ngoại giao của các nước ASEAN thảo luận và trao đổi ý kiến nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các phái đoàn nói riêng và giữa các nước thành viên ASEAN nói chung, cũng như giữa ASEAN với Nhật Bản và các quốc gia khác./.