Việt Nam cần xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia mang tính tổng thể
Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi cam kết Net-Zero với nhiều chính sách hướng đến tạo dựng các hàng rào kỹ thuật về phát triển xanh, giảm phát thải, tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của DN Việt Nam chưa cao.
Ba khó khăn lớn nhất doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi xanh, cũng là những khó khăn mang tính hệ thống, không dễ giải quyết gồm nguồn vốn, nhân sự có kỹ thuật và các giải pháp kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi.
Thông tin trên được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết.
Cần chiến lược tổng thể
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho hay Ban này vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá về mức độ sẵn sàng và khó khăn trong chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Báo cáo được hoàn thành dựa trên các nguồn thông tin đa dạng: nghiên cứu các tài liệu thứ cấp; khảo sát diện rộng 2.734 doanh nghiệp; thảo luận bàn tròn với sự tham gia của lãnh đạo gần 50 hiệp hội và các doanh nghiệp dẫn đầu các chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nước; thực địa một số nhà máy; tham vấn các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước.
Kết quả báo cáo cho thấy, chuyển đổi xanh đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Các quốc gia lớn đã và đang dành nhiều nguồn lực và thiết kế nhiều khuôn khổ pháp lý lẫn thực tiễn để thúc đẩy chuyển đổi xanh tại quốc gia cũng như tạo tác động tới các quốc gia khác.
Vì vậy, Việt Nam cần tham gia với quyết tâm và nỗ lực tương xứng với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại COP26, COP27 để khẳng định sự tiên phong của quốc gia cũng như tranh thủ một cách hiệu quả các nguồn lực quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi xanh.
Chuyển đổi xanh không đơn thuần là một số chính sách đơn lẻ mà gồm hệ thống các chính sách cùng thiết kế chương trình thực thi chính sách để chuyển đổi từ đầu tư, thương mại, phát triển các lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy các sáng kiến xanh… đến các hoạt động giảm phát thải trong thực tế.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng và vận hành chiến lược, chương trình chuyển đổi xanh quốc gia mang tính tổng thể, do Chính phủ chỉ đạo, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa khu vực nhà nước với doanh nghiệp, người dân, với trách nhiệm, thời gian biểu, chỉ tiêu, biện pháp, cách thức đo đếm hiệu quả/giám sát kết quả cụ thể.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các thị trường lớn của Việt Nam đều đang đẩy mạnh thực thi cam kết Net-Zero, do đó, nhiều chính sách mới đã ban hành, dự kiến ban hành đều hướng đến tạo dựng các hàng rào kỹ thuật về phát triển xanh, bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao.
48,7% doanh nghiệp đánh giá giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết
Theo kết quả khảo sát, có 48,7% doanh nghiệp đánh giá rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết/rất cần thiết, trong đó 16,9% đánh giá là rất cần thiết. Song, vẫn có 17,4% đánh giá là không cần thiết/rất không cần thiết và 33,9% đánh giá tính cần thiết của việc chuyển đổi này chỉ ở mức độ bình thường.
Điều đáng ngạc nhiên là không có nhiều sự khác biệt trong đánh giá mức độ cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh giữa các doanh nghiệp chỉ hoạt động nội địa, doanh nghiệp xuất khẩu.
Các doanh nghiệp ngành nông, lâm thủy sản và công nghiệp đánh giá mức độ cần thiết chuyển đổi cao hơn so với doanh nghiệp ngành xây dựng, dịch vụ.
Cụ thể, 59,6% doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản đánh giá cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh, trong đó 24,9% đánh giá là rất cần thiết.
Tỷ lệ này ở doanh nghiệp ngành công nghiệp là 54,1%, trong khi doanh nghiệp ngành xây dựng và dịch vụ đều khoảng 45%.
Một số ngành đặc thù nhận diện sự cần thiết khá cao như doanh nghiệp sản xuất dệt may với 55,9% (34 doanh nghiệp được khảo sát); doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo 52,6% (499 doanh nghiệp), doanh nghiệp khai khoáng 56,5% (46 doanh nghiệp), doanh nghiệp vận tải kho bãi với 48,8% (125 doanh nghiệp).
Các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ đánh giá cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh cao hơn một chút so với doanh nghiệp trong nước (55,2% so với 48%). Doanh nghiệp có doanh thu càng lớn thì đánh giá mức độ cần thiết càng cao.
Liên quan đến mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh, có đến 64% doanh nghiệp được khảo sát “chưa chuẩn bị gì.”
Các hoạt động “cắt giảm lượng khí thải trong một số hoạt động trọng tâm” chỉ có 5,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết “đã thực hiện,” còn tỷ lệ doanh nghiệp “đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm” chỉ ở mức 3,8%.
“Với các diễn biến chính sách từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và nội luật hóa ở Việt Nam, việc các doanh nghiệp dường như chưa chuẩn bị gì sẽ tạo ra những sức ép rất lớn trong tương lai khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp và chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ,” bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhận định.
Theo Ban IV, các doanh nghiệp chỉ hoạt động nội địa có mức độ sẵn sàng không cao như các doanh nghiệp hoạt động hướng đến xuất khẩu. Trong khi 68,7% doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trong nước chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh thì tỷ lệ này ở doanh nghiệp có phạm vi hoạt động ở nước ngoài và cả nội địa và nước ngoài lần lượt là 53,7% và 55,6%.
Các doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp có mức độ sẵn sàng tích cực hơn so với các lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch cũng không nhiều.
Khó khăn trong chuyển đổi xanh
Kết quả khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh, từ thông tin, nguồn vốn, nhân sự có chuyên môn… Trong đó, ba khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp đối mặt là nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải, chuyển đổi xanh; nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh; các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp.
Chuyển đổi xanh đòi hỏi nhu cầu về vốn lớn đối với Việt Nam trong cả 3 khu vực. Theo ước tính của World Bank năm 2022, nhu cầu tài chính tăng thêm để Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải nhà kính giai đoạn 2022-2040 lên đến 368 tỷ USD, trong đó thích ứng chiếm 4,7% GDP mỗi năm và khử carbon chiếm 2,1%.
Trong số này, nguồn tài chính đến từ khu vực tư nhân chiếm gần 50% với 184 tỷ USD, các nguồn từ khu vực công là 130 tỷ USD, cùng với đó là nguồn tài chính hỗ trợ từ bên ngoài.
Kết quả khảo sát cho thấy nguồn vốn là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh. 50% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp phải khó khăn về vốn và chỉ có 5,9% cho rằng không có khó khăn gì về vốn.
Đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt vì trong khi doanh nghiệp rất cần vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội thì tài chính xanh chưa phát triển tương ứng.
Sau hơn 10 năm, tài chính xanh được triển khai ở Việt Nam nhưng quy mô vẫn nhỏ, tín dụng xanh chỉ chiếm 4.5% tổng dư nợ (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính tới hết năm 2023), trong khi trái phiếu xanh còn rất ít.
Tính đến hết năm 2023, mới có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 621 ngàn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng thời điểm năm 2022, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tín dụng xanh hiện nay chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi.
Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng (thông tin, tiêu chí về dự án xanh); cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; khung pháp lý…
Liên quan đến trái phiếu xanh, theo số liệu thống kê từ AsianBondsOnline, tính đến hết năm 2023, giá trị lưu hành trái phiếu xanh tại Việt Nam chỉ chiếm 1% trong tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (Malaysia 5%, Singapore 7%, Indonesia 12%).
Điều này cho thấy quy mô thị trường các sản phẩm trái phiếu bền vững tại Việt Nam còn tương đối nhỏ so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, nguồn tài chính quốc tế để hỗ trợ cho cam kết của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản để có thể tiếp cận. Quan hệ đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng JETP dự kiến giai đoạn 2024-2028, các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam triển khai các dự án cụ thể.
Điểm đặc biệt, khoản tài chính 15,5 tỷ USD theo JETP sẽ được phân bổ cho các dự án chưa huy động được vốn, chưa được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế qua khảo sát cũng phản ánh, còn nhiều chậm trễ và nhiều rào cản để tuân thủ các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án nhóm này./.