Việt Nam cần quyết liệt để đạt mốc 300 tỷ USD về kinh tế xanh vào 2050
Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu tại Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa kinh tế xanh đạt được mốc 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập tại Hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công,” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Boston Consulting Group (BCG) phối hợp tổ chức, ngày 18/4.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Không những thế, tăng trưởng xanh sẽ đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
[VBF 2023: Chính phủ, doanh nghiệp đồng hành thúc đẩy tăng trưởng xanh]
Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
“Việt Nam xác định đây là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế,” vị tư lệnh ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Nghiên cứu từ BCG cho thấy để tăng tốc tăng trưởng xanh, việc chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện Mặt Trời sẽ đóng góp vào GDP lên tới 70-80 tỷ USD đồng thời tạo ra khoảng 90-105 nghìn việc làm trực tiếp. Ngoài ra, hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh như đặt ra tại chiến lược, Việt Nam cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng giám đốc BCG khu vực Đông Nam Á, chia sẻ các quốc gia dẫn đầu thế giới đang tăng tốc đẩy mạnh phát triển các công nghệ giải pháp nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và ít các-bon. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch trong khu vực và có thể toàn cầu.
Trên cơ sở đó, ông Jaime đưa ra 4 kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa các cơ hội đó. Cụ thể, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; tăng tốc phát triển hệ sinh thái Hydro sạch.
Về kế hoạch hành động sắp tới, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho hay đơn vị này sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành và địa phương để triển khai xây dựng danh mục các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm cũng như xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới./.