Viện Huyết học-Truyền máu TW: Nhu cầu sử dụng máu nhóm hiếm tăng cao

Chỉ trong 2 tháng, Viện Huyết học-Truyền máu TW đã nhận được dự trù cung cấp máu và chế phẩm máu nhóm hiếm từ các bệnh viện lên đến 180 đơn vị, trong khi con số này của cả năm 2022 chỉ là 350 đơn vị.

Tình nguyện viên hiến máu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo thông tin từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, nhu cầu cần máu nhóm hiếm Rh(D) âm tăng cao.

Từ Tết Nguyên đán 2023 đến nay, chỉ trong 2 tháng, viện đã nhận được dự trù cung cấp máu và chế phẩm máu nhóm hiếm từ các bệnh viện lên đến 180 đơn vị, trong khi con số này của cả năm 2022 chỉ là 350 đơn vị.

Đặc biệt, trong một tuần nay, liên tiếp các trường hợp người bệnh cần máu nhóm máu hiếm O Rh(D) âm, mỗi trường hợp đều cần tối thiểu 3-5 đơn vị.

Nhiều trường hợp nặng như: bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng (đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương); bệnh nhân mổ tim (Bệnh viện Bạch Mai); bệnh nhân mất máu cấp do rong kinh kéo dài (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), bệnh nhân ung thư máu (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương). Điều này đã gây áp lực không chỉ cho viện, Trung tâm máu Quốc gia mà cả Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc.

[Lễ hội Xuân hồng 2023: Hiến máu đầu Xuân - Nhân lên hạnh phúc]

Do nhu cầu máu nhóm hiếm tăng cao, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của những người hiến máu nhóm hiếm Rh(D) âm với người bệnh cần máu.

Nếu đã đủ điều kiện sức khỏe, người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm có thể liên hệ tới Tổng đài Hiến máu 0976990066 để đăng ký. Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương sẽ liên hệ mời hiến máu khi có bệnh nhân cần.

Theo quy ước của Hội Truyền máu Quốc tế, một nhóm máu có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm. Do đó, ở Việt Nam, nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm vì chỉ chiếm gần 0,1% dân số. Nhóm máu AB không được coi là nhóm máu hiếm (vì chiếm 5% dân số)./.

Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)