Việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen tác động mạnh đến Đông Phi
WFP và FAO nêu rõ khoảng 60 triệu người vẫn đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại 7 quốc gia Đông Phi, việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen càng làm trầm trọng hơn vấn đề này.
Ngày 26/6, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhận định việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ tác động mạnh đến khu vực Sừng châu Phi, đồng thời cảnh báo việc giá lương thực tăng mạnh lần nữa sẽ khiến hàng chục triệu người đối mặt với đói kém.
Mùa mưa tốt hơn dự báo đã giúp ngăn chặn nạn đói tại một số khu vực của vùng Sừng châu Phi trong năm nay.
Tuy nhiên, WFP và FAO nêu rõ khoảng 60 triệu người vẫn đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại 7 quốc gia Đông Phi.
Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), quan chức cấp cao phụ trách vấn đề khẩn cấp của WFP Dominique Ferretti cho rằng việc chấm dứt sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chắc chắn sẽ tác động mạnh đến khu vực Đông Phi.
Hiện, có một số quốc gia đang phụ thuộc vào lúa mỳ của Ukraine và giá lương thực chắc chắn sẽ tăng lên nếu thiếu đi nguồn lương thực này.
WFP đang tích cực chuẩn bị nhiều lương thực nhất có thể và sẽ buộc phải chuyển sang các nhà cung cấp khác nếu thỏa thuận bị hủy.
[Nga cảnh báo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể không được gia hạn]
Trong khi đó, bà Brenda Lazarus, đại diện của FAO cho biết lúa mỳ là lương thực chính trong khẩu phần ăn của người dân tại Somalia, Sudan, Djibouti và Eritrea, do đó bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ diễn ra rất chậm.
Các số liệu của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 700.000 tấn ngũ cốc đã được vận chuyển tới Kenya và Ethiopia kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực.
Dù con số này chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng xuất khẩu, song khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng của giá lúa mỳ tăng cao kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào năm ngoái.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo khoảng 10,4 triệu trẻ em đang đối mặt với suy dinh dưỡng, trong khi tỷ lệ nhập viện tại Somalia, Nam Sudan và một số khu vực của Kenya đã lên mức cao nhất trong 3 năm qua.
Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc mang tên Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất vào ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được khắc phục./.