Vì sao không nên đốt than để sưởi ấm trong phòng kín khi trời rét đậm?
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trời rét đậm, rét hại, các bác sỹ khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt than để sưởi ấm trong nhà, nhất là trong phòng kín bởi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khí CO.
Thời gian qua, đã có một số trường hợp nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc khí CO (carbon monoxide) do đốt than để sưởi ấm trong nhà.
Mới đây, chiều 24/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho biết vừa tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc khí CO do đốt than hoa để sưởi ấm trong nhà.
Theo thông tin ban đầu, một người đàn ông (61 tuổi, ở huyện Lộc Bình) cùng vợ đốt than hoa sưởi ấm trong nhà khiến cả hai bị hôn mê.
Khi người thân phát hiện sự việc, toàn thân người đàn ông đã tím tái. Gia đình đã đưa ông tới bệnh viện cấp cứu. Các bác sỹ chẩn đoán, hai vợ chồng này bị ngộ độc khí CO, trong đó người vợ bị nhẹ hơn. Các bệnh nhân đã được bác sỹ cho thở máy, hồi sức tích cực.
Một trường hợp khác (12 tuổi, ở thành phố Lạng Sơn) phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng lơ mơ, môi tím tái. Gia đình nạn nhân cho hay gia đình đã đốt than củi trong buồng kín cho trẻ đi tắm.
Khoảng 40 phút sau, người thân gọi không thấy trẻ trả lời, mở cửa vào, phát hiện trẻ nằm bất tỉnh trong phòng tắm. Ngay khi vào viện, bệnh nhân được cho thở ôxy dòng cao, điều trị tích cực nên đã hồi phục tốt.
Hồi năm 2022, ba người trong một gia đình cùng nhập viện do ngộ độc khí CO. Ba bệnh nhân là người dân tộc Thái, có địa chỉ ở Tuần Giáo, Lai Châu, thuê nhà ở Hà Nội để học tập và chữa bệnh. Phòng trọ rộng chừng 10m2, được xây khép kín.
Tầm 19 giờ ngày 20/2/2022, sau khi tắm xong, cháu Lường Mạnh T., 7 tuổi, rét quá nên chị Lường Thị H., 26 tuôi, đã đưa bếp than tổ ong vào trong phòng và đóng kín cửa để sưởi. Đến tầm 22h, cháu T có biểu hiện buồn nôn và đau đầu. Sau đó chị và mẹ chị - bà Lường Thị D., 68 tuổi, cũng tiếp tục có biểu hiện tương tự. Cả gia đình đã được đưa đến Trung tâm Chống độc cấp cứu ngay trong đêm. Qua kiểm tra, các bác sỹ thấy bệnh nhân có biểu hiện nôn nhiều, đau đầu, kiểm tra nồng độ CO trong máu cao. Các bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng điều trị cho bệnh nhân ở Thanh Hóa, nhập viện trong tình trạng có biến chứng não, biểu hiện rối loạn tâm thần kinh. Đây là di chứng nặng nề của ngộ độc khí CO cách đó hơn 1 tháng. Người chồng của bệnh nhân này đã tử vong tại nhà ngay hôm xảy ra ngộ độc.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trời rét đậm, rét hại, các bác sỹ khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt than để sưởi ấm trong nhà, nhất là trong phòng kín, bởi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khí CO.
Các bác sỹ phân tích đốt than trong phòng ngủ, không gian chật hẹp, đóng kín cửa sẽ đốt hết khí ôxy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc.
Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, đặc biệt là khi đang ngủ. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy cơ thể bất thường thì gần như đã rơi vào tình trạng ngộ độc, khó nhận thức, không còn khả năng ứng phó, tự ra khỏi khu vực có khí độc và sẽ bị lịm dần.
Ngộ độc khí CO có thể gây nên những tổn thương não khó hồi phục nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Một số trường hợp ngộ độc nặng sẽ dẫn tới tử vong.
Vì vậy, khi nhiệt độ xuống thấp, trời chuyển rét đậm, rét hại, người dân nên sử dụng các biện pháp giữ ấm như: che chắn kỹ các phòng ở; mặc ấm; dùng đèn sưởi, quạt sưởi, điều hòa, đồng thời, uống đủ nước, uống nước ấm, tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe.
Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra không gian thoáng khí để bổ sung ôxy kịp thời, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa.