Vì sao hàng loạt chuyến bay phải hủy đi-đến Sân bay Điện Biên?

Trong những ngày vừa qua, hàng loạt chuyến bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thể đi đến Cảng Hàng không Điện Biên.

Hàng loạt chuyến bay không thể đi đến Cảng Hàng không Điện Biên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thông tin từ Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam (VATM), trong 3 ngày (từ 6-8/4) có 19 chuyến bay đi, đến Cảng Hàng không Điện Biên phải hủy chuyến do thời tiết mù khô và khói bụi ảnh hưởng đến các hoạt động bay tại sân bay này.

Cụ thể, ngày 6/4 có 5 chuyến, ngày 7/4 có 6 chuyến và ngày 8/4 có 8 chuyến bay không thể hạ cánh được tại Sân bay Điện Biên.

Lý giải về việc này, phía VATM thông tin tháng Tư hàng năm, khu vực Sân bay Điện Biên thường có gió Nam-Tây Nam thịnh hành, tốc độ 11-14km/h, trời ít mây, mù khô kéo dài gần như cả ngày, gây giảm tầm nhìn ảnh hưởng đến khai thác bay. Trung bình khoảng 15 ngày trong tháng có mù hoặc mù khô, tầm nhìn từ 2.000-4.800m.

Thời gian này, khu vực Thượng Lào đang ở đỉnh điểm của mùa khô, cư dân khu vực này vẫn giữ tập quán đốt rừng làm nương rẫy. Tro bụi và khói do hoạt động này theo hoàn lưu gió di chuyển về khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ, khói và mù đọng lại làm tình trạng suy giảm tầm nhìn càng thêm nghiêm trọng.

Theo thống kê từ năm 2018 đến năm 2022, trước khi Sân bay Điện Biên đóng cửa để nâng cấp, số lượng các chuyến bay bị ảnh hưởng do điều kiện thời tiết đặc thù trong tháng Tư hàng năm (phải chuyển hướng đi sân bay dự bị hoặc hủy chuyến) từ 16-22 chuyến, chiếm khoảng 20% tổng số chuyến bay đi/đến Sân bay Điện Biên.

“Hiện tượng thời tiết kết hợp ô nhiễm không khí do tro bụi nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân thành phố Điện Biên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khai thác các chuyến bay đi, đến tại Cảng Hàng không Điện Biên (tầm nhìn ngang không đạt tiêu chuẩn khai thác tối thiểu),” lãnh đạo VATM cho hay.

Cùng với việc nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên, VATM đã đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng tự động hiện đại đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép khai thác và đưa vào hoạt động đồng bộ với đường cất, hạ cánh mới.

Hệ thống được trang bị đầy đủ thiết bị đo các thông số khí tượng bảo đảm cho khai thác bay, trung tâm xử lý dữ liệu cùng các đầu cuối hiển thị, cung cấp đầy đủ số liệu cho nhân viên khí tượng và kiểm soát viên không lưu khai thác, phục vụ điều hành bay.

Bên cạnh đó, để hạn chế tác động của điều kiện thời tiếtđến hoạt động bay, VATM đã chỉ đạo Trung tâm Khí tượng hàng không theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đặc biệt lưu ý hướng và tốc độ gió, đánh giá bổ sung về tình hình ô nhiễm khói bụi từ Thượng Lào về lòng chảo Điện Biên Phủ để kịp thời phát hành các bản tin dự báo chính xác, đặc biệt lưu ý quan trắc và dự báo số liệu tầm nhìn ngang.

Công ty Quản lý bay miền Bắc thực hiện điều hành bay đúng tiêu chuẩn khai thác do Cục Hàng không Việt Nam ban hành.

“Việc điều hành tại Đài Kiểm soát không lưu hiện hữu không ảnh hưởng đến việc chậm/hủy chuyến của các hãng hàng không trong những ngày vừa qua tại Sân bay Điện Biên Phủ,” lãnh đạo VATM nhấn mạnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không tại khu vực Tây Bắc, VATM cũng đã đầu tư xây dựng Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên mới, khởi công vào ngày 27/4/2023. Công trình dự kiến đưa vào khai thác trước ngày 28/4 tới đây.

Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục bảo đảm hoạt động bay đãđược hoàn thiện và đang làm thủ tục cấp phép để đưa vào khai thác chính thức. VATM dự kiến tổ chức khánh thành công trình vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam(20/4/1993-20/4/2024), hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ./.