Vì sao chưa kéo dài tuyến Cao tốc Bắc-Nam đến Đất Mũi Cà Mau?

Hạ tầng giao thông của tỉnh Cà Mau vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và cần sớm được cân đối nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp nhằm tăng tính liên kết địa phương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản giải đáp hàng loạt những kiến nghị về đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh Cà Mau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cân đối được vốn, sẽ đầu tư nhiều tuyến đường bộ

Về kéo dài quy hoạch tuyến cao tốc đến Mũi Cà Mau để kết nối đồng bộ hệ thống đường cao tốc từ biên giới phía Bắc đến điểm cực Nam của Tổ quốc, theo đánh giá của phía Bộ Giao thông Vận tải, trong quá trình tổ chức lập 5 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải), hành lang thành phố Cà Mau đến Đất Mũi có nhu cầu vận tải chưa cao nên không quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông lớn (đường bộ cao tốc, đường sắt...) mà chủ yếu quy hoạch các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Triển khai Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Dựa trên kết quả khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau qua Năm Căn đến Đất Mũi, Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch, kéo dài quy hoạch tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đến Mũi Cà Mau.

[Dự án Cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau đang bị chậm tiến độ]

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau và Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Bạc Liêu-Cà Mau, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết bộ đã giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi.

Ngoài ra, bộ cũng đã giao Ban quản lý dự án 7 cập nhật báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Bạc Liêu-Cà Mau.

Hiện, các dự án này chưa có trong danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021. Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình điều hành kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 khi có nguồn vốn phù hợp hoặc bố trí vốn đầu tư trong kỳ trung hạn tiếp theo.

Phương tiện lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63 từ Cà Mau đi Kiên Giang, theo quy hoạch được duyệt, Quốc lộ 63 từ Cà Mau đi Kiên Giang (trên địa bàn tỉnh Cà Mau) trùng với đường Hồ Chí Minh; đoạn tuyến có chiều dài khoảng 39km, được quy hoạch quy mô đường cấp 3 đồng bằng, 2-4 làn xe.

Khẳng định đã phê duyệt đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến này từ năm 2010, tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên đã phải tạm dừng triển khai.

Cụ thể, năm 2021, căn cứ số vốn đầu tư dự án được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bộ đã phê duyệt điều chỉnh giảm phạm vi đầu tư, ưu tiên đầu tư trước đoạn qua nội đô thành phố Cà Mau dài khoảng 2,5km (đoạn Km110+323-Km112+783, bao gồm cầu Phụng Hiệp). Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau là chủ đầu tư đã triển khai hoàn thành giai đoạn xây dựng, đưa công trình vào khai thác.

Đối với đoạn còn lại, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu thành dự án riêng để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện khi cân đối được nguồn vốn.

Sân bay Cà Mau được quy hoạch đạt cấp 4C

Trong thời gian qua, để bảo đảm ổn định hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không tại Cảng hàng không Cà Mau, hàng năm, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Trên cơ sở hiện trạng khai thác và tình trạng hư hỏng mặt đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Cà Mau và tại buổi làm việc tới tỉnh Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2023.

[Cà Mau kiến nghị duy trì đường bay Hà Nội-Cà Mau do nhu cầu tăng]

Về đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đạt cấp sân bay 4C, đáp ứng khai thác dòng tàu bay Aibus A320 và A321, Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức triển khai lập quy hoạch các cảng hàng không cùng thời kỳ, trong đó Cảng hàng không Cà Mau sẽ được quy hoạch đầu tư đạt tiêu chuẩn cấp sân bay 4C.

Dòng máy bay phản lực Embraer của hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, ACV có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư phát triển, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau. Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV xây dựng kế hoạch và triển khai đầu tư phát triển, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau.

Trường hợp ACV không bố trí được vốn để đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với tỉnh Cà Mau nghiên cứu phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư theo “Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không” được cấp có thẩm quyền chấp thuận./.

Việt Hùng (Vietnam+)