Vì sao chưa có trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái?

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, việc có độ trễ trong xây dựng các trạm dừng nghỉ kết hợp cây xăng là do có sự điều chỉnh quy hoạch xây dựng các trạm dừng nghỉ theo hướng tốt lên.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là tuyến cao tốc đường bộ thứ ba của Quảng Ninh - dự kiến chính thức khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 1/9 tới.

Khi đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ có được trục cao tốc liên hoàn hiện đại, đồng bộ dài gần 180km kéo dài từ điểm khởi đầu tiếp giáp Hải Phòng đến tận địa đầu Tổ quốc Móng Cái.

Tuy nhiên, dư luận đã sớm chỉ ra sự khiếm khuyết của tuyến cao tốc này là chưa có trạm dừng nghỉ và cây xăng.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh Hoàng Quang Hải cho biết việc có độ trễ trong xây dựng các trạm dừng nghỉ kết hợp cây xăng là do có sự điều chỉnh quy hoạch xây dựng các trạm dừng nghỉ theo hướng tốt lên, phát huy hiệu quả cao hơn nữa của tuyến cao tốc.

Ông Hoàng Quang Hải cho hay ngay khi xây dựng tuyến cao tốc, Quảng Ninh có quy hoạch xây dựng 2 trạm dừng nghỉ gồm 1 trạm ở gần trạm thu phí cầu Bạch Đằng (thuộc thị xã Quảng Yên) và 1 trạm ở huyện Đầm Hà.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án cao tốc, tỉnh nhận thấy cần điều chỉnh quy hoạch 2 trạm dừng nghỉ nói trên, bởi trạm ở Quảng Yên gần với nút giao đầm nhà Mạc và gần với trạm thu dừng nghỉ của thành phố Hải Phòng nằm trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng không phù hợp nên thay đổi quy hoạch chuyển về xã Thống Nhất (thành phố Hạ Long).

Trạm dừng nghỉ Đầm Hà được thay đổi quy hoạch chuyển về xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn), có vị trí đẹp, phù hợp vừa làm trạm dừng nghỉ vừa làm địa điểm cho du khách chiêm ngưỡng cây cầu Vân Tiên - cầu vượt biển dài hơn 1.500 mét và là cây cầu dài nhất tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm này, nối liền 2 huyện Vân Đồn và Tiên Yên ở cửa biển.

[Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dự kiến đưa vào khai thác vào dịp 2/9]

Các trạm dừng nghỉ được quy hoạch xây dựng đồng bộ với các chức năng dịch vụ thiết yếu, kết hợp với trạm cấp nhiên liệu xăng, dầu và nạp pin cho xe điện.

Các trạm dừng nghỉ này không sử dụng vốn ngân sách. Ngoài ra, Quảng Ninh còn quy hoạch xây dựng thêm 1 điểm dừng xe kỹ thuật tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin hiện tại, vị trí đất trạm dừng nghỉ ở xã Thống Nhất về cơ bản đã giải phóng xong mặt bằng, tỉnh đang gấp rút tiến hành các bước phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với trạm dừng nghỉ ở xã Đài Xuyên, tỉnh đã xin ý kiến và được sự đồng thuận của Bộ Giao thông Vận tải. Tỉnh đang tiến hành các bước phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để sớm triển khai dự án.

Trước đó, 2 tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng dài 25km được đầu tư bằng vốn ngân sách được khánh thành vào 1/9/2018 và cao tốc Hạ Long-Vân Đồn dài hơn 60km được đầu tư bằng hình thức BOT (đầu tư, khai thác, chuyển giao) khánh thành vào 1/2/2019.

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là tuyến cao tốc tiếp nối Hạ Long-Vân Đồn được khởi công từ tháng 4/2019, có tổng chiều dài khoảng 80km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/h với tổng kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng.

Ngày 1/9 tới đây, tuyến cao tốc này sẽ chính thức đưa vào khai thác, khi đó tỉnh Quảng Ninh có một trục cao tốc dài gần 180km liên hoàn đấu nối trực tiếp với trục cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tạo ra trục cao tốc phía đông dài hơn 280km phục vụ phát triển kinh tế cho các tỉnh phía Bắc, nhất là 5 tỉnh, thành phố có cao tốc chạy qua như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh nhấn mạnh với tinh thần khẩn trương đẩy nhanh các bước chuẩn bị đầu tư để các dự án độc lập xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái sớm hoàn thành phục vụ tích cực và phát huy hiệu quả cao của tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung./.

Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)