Vàng trở thành “hàng rào” bảo vệ của các ngân hàng trung ương
Nhu cầu vàng tăng lên vì kim loại quý này được coi là "tài sản an toàn trung lập về chính trị, có thể được lưu trữ trong nước và tránh được các lệnh trừng phạt hoặc tịch thu".
Giá vàng gần đây đang tăng mạnh nhờ lực mua mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương - một tín hiệu cho thấy kim loại quý này ngày càng được xem là một “hàng rào” bảo vệ trước những rủi ro địa chính trị.
Tuần trước, bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ ra vai trò của vàng trong bối cảnh tiềm ẩn khả năng phân mảnh trật tự kinh tế và tài chính toàn cầu.
Theo bà, sau nhiều năm trải qua nhiều cú sốc - bao gồm đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Ukraine và Nga - các quốc gia đang đánh giá lại các đối tác thương mại của mình dựa trên những lo ngại về kinh tế và an ninh quốc gia."
Đặc biệt, một số nước đang suy nghĩ lại về việc phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế và dự trữ ngoại hối.
Bà Gopinath cho biết nhu cầu vàng tăng lên vì kim loại quý này được coi là "tài sản an toàn trung lập về chính trị, có thể được lưu trữ trong nước và tránh được các lệnh trừng phạt hoặc tịch thu".
Theo một báo cáo gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương chiếm một phần tư nhu cầu vàng trong năm 2022 và 2023, khi các định chế này mua hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm.
WGC cho biết các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang tiếp tục mua vàng, tích lũy 290 tấn vàng trong quý đầu tiên của năm nay. Đây là màn khởi đầu mạnh mẽ nhất nhất trong lịch sử cho một năm.
Những lo ngại về tầm ảnh hưởng sức mạnh quá lớn của đồng USD trong nền kinh tế thế giới đã âm ỉ trong nhiều năm. Các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây và việc "vũ khí hóa đồng USD" nhằm vào Nga vì xung đột với Ukraine đã đẩy mạnh tiến trình "phi USD."
Chắc chắn là “đồng bạc xanh” đã ăn sâu vào nền kinh tế toàn cầu đến mức hầu hết các chuyên gia cho rằng đồng tiền này sẽ không mất vị thế thống trị và vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới trong tương lai gần.
Nhưng các quốc gia trên khắp thế giới đang đang tăng cường phòng ngừa rủi ro chính trị bằng cách tích trữ các tài sản thay thế, đặc biệt là vàng.
Bà Gopinath cho biết trong trường hợp của Trung Quốc, tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng từ dưới 2% vào năm 2015 lên 4,3% vào năm 2023.
Trong khi đó, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của Trung Quốc giảm từ 44% xuống khoảng 30%.
Bên cạnh Trung Quốc, ngân hàng trung ương các nước khác cũng đang tích trữ vàng. WGC cho biết các nước mua nhiều vàng khác còn có Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng trong năm 2024, và "bớt nhạy cảm hơn với giá." Điều này có nghĩa là giá vàng có khả năng sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay.
Một điều chắc chắn là cơn sốt vàng hiện nay không chỉ do các yếu tố địa chính trị, mà còn nhờ lực đẩy từ sự mạnh lên của đồng USD.
Sức mạnh của “đồng bạc xanh” đã thúc đẩy một số nước đang phát triển tìm cách phòng ngừa rủi ro cho đồng tiền của họ.
Tại Trung Quốc, người dân cũng đang tích cực mua vàng để phòng ngừa rủi ro từ những bất ổn kinh tế trong nước./.