Văn hóa Việt Nam trở lại với người dân tỉnh Eure-et-Loir của Pháp
"Ngày văn hóa Việt Nam" tại Eur-et-Loir không chỉ là cơ hội để giới thiệu đất nước và con người Việt Nam mà còn là dịp để những người bạn Pháp bày tỏ tình yêu và sự ủng hộ tới người dân Việt Nam.
Đã thành sự kiện thường niên từ 5 năm nay, "Ngày văn hóa Việt Nam" đã được Hội Hữu nghị Pháp-Việt của tỉnh Eure-et-Loir tổ chức ngày 12/10 tại làng Voves, cách Thủ đô Paris hơn 100km về phía Nam, với sự tham dự của đông đảo người dân địa phương.
Tại nhà cộng đồng của làng Voves, sáng 12/10, không khí náo nhiệt hơn mọi ngày. Những con rối bằng gỗ, tranh vẽ phong cảnh làng quê Việt Nam, quạt giấy, đồ lưu niệm và những tà áo dài truyền thống... thu hút nhiều khách đến với không gian trưng bày và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dân tộc nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và người dân có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Ở một góc khác, các tác phẩm văn học, sách báo giới thiệu về chất độc da cam, về biển đảo Việt Nam được xếp bên cạnh các tác phẩm văn học của các tác giả trong vùng.
Tại khu triển lãm ảnh trong nhà và ngoài trời, một số người dân địa phương đang chăm chú xem các tác phẩm ghi lại hình ảnh đất nước và con người Việt Nam do nhiếp ảnh gia người Pháp Gérard Memmi và một số tác giả khác thực hiện.
Đó chỉ là một phần trong rất nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ "Ngày văn hóa Việt Nam tại tỉnh Eure-et-Loir."
Sự kiện này được tổ chức thường niên từ 5 năm nay nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Hữu nghị Pháp-Việt của tỉnh.
Say sưa ngắm những món đồ mang đậm phong cách Việt Nam, ông Franck Rossignol đến từ Chartre, cho biết khi nghe nói có Ngày Việt Nam ở Voves, ông đã đến đây từ sớm.
Ông chia sẻ : “Tôi là người rất yêu thích châu Á, bởi vì tất cả các nước ở đó, như Việt Nam, Trung Quốc… đều có những nền văn hóa rất phong phú, nổi tiếng trên thế giới, nhưng tiếc là mọi người ở đây chưa biết đến nhiều.
Tôi là thành viên Hội Hữu nghị Pháp-Việt vùng Eure-et-Loir, nhưng tôi chưa bao giờ đến Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn tìm hiểu đất nước này qua các tài liệu trên Internet và tôi rất thích ẩm thực của các bạn, rất thanh, tinh tế và ngon miệng.
Cũng như các nước trong khu vực này, Việt Nam có một nền văn hóa bản địa rất phong phú và có rất nhiều điều để khám phá."
Là một người bán hàng tình nguyện, bà Anne Tenèze, cũng cho biết các sản phẩm được bày bán ở đây có một số là quà tặng của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), số còn lại là mua ở một đại lý của người Việt ở Paris.
Toàn bộ số tiền bán đồ lưu niệm sẽ được sử dụng để làm từ thiện, giúp đỡ cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga và các nạn nhân chất độc da cam, cũng như để giúp đỡ những đồng bào Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Gilbert Tenèze, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt tỉnh Eure-et-Loir, cho biết xuất phát từ ý tưởng ban đầu là ủng hộ bà Trần Tố Nga và các nạn nhân da cam Việt Nam, sự kiện "Ngày Việt Nam" ngay sau đó nhanh chóng được mở rộng thành "Ngày văn hóa Việt Nam" và được tổ chức thường niên, nhằm quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Ông bày tỏ: "Năm nay, chủ đề của chúng tôi là 'chiến đấu.' Đó là cuộc đấu tranh của những ngư dân Việt Nam giữa trời và biển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông, là cuộc chiến của các dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập mà vẫn phải gìn giữ bảo tồn nét đẹp truyền thống, tất cả điều này được thể hiện qua triển lãm các bộ sưu tập ảnh.
Ngoài ra, còn có cuộc chiến chống lại ô nhiễm môi trường đất và nước, cuộc chiến này không chỉ diễn ra ở nước các bạn mà cả ở đây, nơi chúng tôi được coi là vùng thâm canh nông nghiệp lớn của nước Pháp.
Nếu như ở Việt Nam có cuộc chiến chống hậu quả của chất độc da cam thì chỗ chúng tôi có cuộc đấu tranh chống sử dụng các hóa chất trừ sâu gây độc hại cho môi trường.
Đó cũng là lý do chúng tôi ủng hộ bà Trần Tố Nga trong cuộc chiến pháp lý chống lại các công ty hóa chất đã cung cấp thuốc diệt cỏ có chứa chất độc da cam cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Rồi còn có cả cuộc chiến để gìn giữ và quảng bá văn hóa nghệ thuật của các bạn, với sự tham gia của dàn hợp ca Quê Hương… Hãy hiểu rằng dù trong lĩnh vực nào, dù trên mặt trận nào, thì chúng tôi cũng luôn sát cánh bên các bạn, trong mọi cuộc đấu tranh."
Có mặt tại sự kiện năm nay, bà Trần Tố Nga, cũng mong muốn chia sẻ về cuộc chiến pháp lý của bà chống lại các công ty hóa chất đã gieo rắc sự ô nhiễm ở Việt Nam, về phán quyết của tòa án Paris cũng như quyết tâm của bà và những người ủng hộ.
Bà Trần Tố Nga cho biết hiện phong trào ủng hộ vụ kiện của bà và các nạn nhân chất độc da cam đã lan rộng, không chỉ trong nước Pháp mà nhiều nước trên thế giới.
Với tinh thần "kiên nhẫn, can đảm, hy vọng và quyết tâm," bà và những người ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vẫn xác định dù chỉ có 1% cơ hội chiến thắng, thì cũng sẽ vẫn đi đến cùng, và sự ủng hộ của nhà nước và nhân dân Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế sẽ là động lực động viên họ trong cuộc đấu tranh này.
Cũng với tinh thần giữ gìn và giới thiệu âm nhạc Việt Nam tới bạn bè Pháp, dàn hợp ca Quê Hương với 30 thành viên đã mang đến cho khán giả tỉnh Eure-et-Loir những làn điệu dân ca và đặc biệt là các bài hát cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Ngân Hà, người sáng lập dàn hợp ca Quê Hương cho biết người dân địa phương đặc biệt thích các bài ca cách mạng của Việt Nam.
Ngày Việt Nam được tổ chức tại Voves năm nay cũng là dịp tưởng nhớ đến Jean Moulin, một chiến sỹ cách mạng Pháp, cựu tỉnh trưởng tỉnh Eure-et-Loir, điều này cũng gợi nhớ đến cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của Việt Nam.
Do đó, bà đã chọn các bài hát như "Đường chúng ta đi." "Đất nước tình yêu," "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người," "Người Hà Nội" và một số bài hát Pháp trước khi kết thúc bằng bài hát "We Are the World" để giới thiệu tới công chúng tại đây.
Có thể nói, "Ngày văn hóa Việt Nam" tại Eur-et-Loir không chỉ là cơ hội để giới thiệu đất nước và con người Việt Nam tới công chúng địa phương, mà còn là dịp để những người bạn Pháp bày tỏ tình yêu và sự ủng hộ của họ tới người dân Việt Nam, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam và người dân có hoàn cảnh khó khăn./.