Vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Việt Nam có được những thành tựu to lớn, đáng tự hào như hiện nay là do Đảng kiên định vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Lào. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin một cách sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, không ngừng làm phong phú và hoàn thiện hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa ra những lý luận sáng tạo về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đó là khẳng định của các nhà khoa học chia sẻ với phóng viên phóng viên TTXVN tại Lào bên lề Diễn đàn quốc tế về Chủ nghĩa xã hội lần thứ XI được tổ chức tại thủ đô Vientiane ngày 8/11.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết trong gần 40 năm qua, Việt Nam đã dần hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa Marx để phù hợp với đặc điểm của đất nước, trong đó gồm những thành tố chính, thứ nhất là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thứ hai là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thứ 3 là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ba cái này là ba điểm mấu chốt của lý luận phát triển trên con đường xã hội chủ nghĩa của đất nước Việt Nam hiện nay.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta thấy là một nước do dân, vì dân, lấy nhân dân làm chủ, làm gốc, mọi sự phát triển đều hướng tới nhân dân. Phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa là điều rất quan trọng, làm sao để cho nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo vật chất, tinh thần cho nhân dân, chứ không phải chăm chú vào việc phát triển kinh tế để tạo ra lợi nhuận hay thu lợi cho một nhóm người nhỏ nào đó, mà ở đây là cho toàn dân. Do vậy, việc định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cũng khác so với các nước khác.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng vậy, Quyết định 27 và 28 của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ việc nhân dân được làm chủ như thế nào, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng và trong Nghị quyết 13 của Đảng cũng đã nói. Trên thực tế, đất nước Việt Nam có sự đoàn kết được cũng là nhờ phát huy dân chủ, dân chủ cũng phát huy sức mạnh của toàn dân tộc thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, nhờ có việc dẫn dắt bởi lý luận mới của Việt Nam, cách nhìn của Việt Nam như vậy, đất nước của chúng ta trong gần 40 năm qua có thể nói vượt bậc. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã tổng kết “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay.” Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nói đến định hướng đất nước ta đủ điều kiện để chuyển sang một thời kỳ mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn khẳng định, tất cả ước vọng, ước mơ của Việt Nam trở thành nước công nghiệp, trở thành nước dân giàu, nước mạnh dân chủ công bằng, văn minh thì phải có lý luận dẫn đường. Đây chính là đóng góp rất lớn của Việt Nam trong việc cập nhật của chủ nghĩa Marx và cập nhật mô hình chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã có những đóng góp nhất định của đất nước đối với lý luận chung của nhân loại, đặc biệt là lý luận về chủ nghĩa Marx.

Trong khi thế giới đang đi tìm kiếm một mô hình phát triển thì mô hình chủ nghĩa xã hội không những đang tồn tại mà thường xuyên được đổi mới phát triển mạnh mẽ, cụ thể là tại các nước như Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Điều này cho thấy chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn đang tồn tại và đang phát triển, phát triển rất mạnh mẽ và hoàn toàn tiếp cận, tiệm cận và đồng hành cùng sự phát triển thời đại, không bị lạc hậu, tụt hậu lại đằng sau.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, chính những điều này đã cho chúng ta niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa, vào mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa của từng nước. Đối với sự hợp tác của các quốc gia có mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa, Việt Nam luôn chia sẻ giá trị chung, chia sẻ những cái mà chúng ta hướng tới, nhờ đó chúng ta hợp tác được với nhau. Đồng thời, chúng ta còn học hỏi được những kinh nghiệm phát triển của nhau.

GS. Hà Khâm, Phòng Nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội thế giới đương đại thuộc Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx – Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Lào. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, Giáo sư Hà Khâm, Phòng Nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội thế giới đương đại thuộc Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx-Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết từ khi được thành lập, Diễn đàn quốc tế về chủ nghĩa xã hội luôn bám sát tiến trình xây dựng và cải cách của các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, thảo luận chuyên sâu về tinh thần mới nhất của các hội nghị quan trọng như đại hội đảng, các kỳ họp quốc hội ở các nước, cũng như tư tưởng của các lãnh đạo quốc gia.

Bà Hà Khâm chia sẻ, kể từ khi Việt Nam cải cách mở cửa, dựa trên việc tổng kết các kinh nghiệm và bài học của thực tiễn chủ nghĩa xã hội trên thế giới, thông qua việc tăng cường trao đổi và học hỏi lý luận với các nước xã hội chủ nghĩa và đấu tranh chống lại các tư tưởng sai lầm, Việt Nam đã đạt được những thành quả sáng tạo lý luận về bản địa hóa và hiện đại hóa chủ nghĩa Marx mang đặc sắc Việt Nam.

Giáo sư Hà Khâm nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng làm phong phú và hoàn thiện hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa ra những lý luận sáng tạo về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này đã đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm của Việt Nam cho sự phát triển sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học trong thế kỷ XXI và thực tiễn chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Việt Nam có được những thành tựu to lớn, đáng tự hào như hiện nay là do Đảng đã kiên định vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam; thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam cho phù hợp với thực tiễn phát triển của từng thời kỳ, dẫn dắt dân tộc ta vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc./.