Vai trò, năng lực điều dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh
Trong quá trình hành nghề, mỗi điều dưỡng từng chăm sóc cho hàng vạn người bệnh (ước tính 8 vạn), trực thức hàng ngàn đêm (ước tính 2.800 đêm) vì sức khỏe, tính mạng người bệnh.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 năm nay, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) đưa ra thông điệp “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta. Hiệu quả kinh tế của chăm sóc điều dưỡng - Our Nurses, Our Future. Economic power of Care.”
Thông điệp không chỉ nhằm tôn vinh mà còn định hình cho những bước đi tiếp theo của hệ thống y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng; giúp người điều dưỡng hiểu thêm sứ mạng nghề nghiệp, giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò của điều dưỡng và đặc biệt cung cấp thông tin để Bộ Y tế và các nhà hoạch định chính sách y tế đưa ra những chính sách thiết thực, tạo đòn bẩy cho ngành Điều dưỡng Việt Nam phát triển và hội nhập.
Trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế
Theo Thạc sỹ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội điều dưỡng Việt Nam, năm 2020, trong báo cáo về tình trạng điều dưỡng toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra nhận định: Điều dưỡng là một bộ phận sống còn (Vital part) của Hệ thống y tế.
“Trong tất cả các hệ thống y tế toàn cầu, điều dưỡng luôn là lực lượng cán bộ y tế đông nhất, chiếm 59%. Theo Niên giám thống kê Y tế 2020, Bộ Y tế công bố tỷ lệ điều dưỡng chiếm 39% nhân lực toàn ngành Y tế. Nếu tính cán bộ y tế trực tiếp với người bệnh, điều dưỡng chiếm gần 60%, điều dưỡng có mặt ở khắp nơi của hệ thống y tế. Dịch vụ do điều dưỡng và Hộ sinh cung cấp nhiều nhất, thường xuyên nhất, liên tục nhất,” thạc sỹ Phạm Đức Mục cho biết.
Nghiên cứu WHO cũng công bố 88% thời gian người bệnh của khoa chăm sóc tích cực (ICU) được tiếp xúc với nhân viên y tế là điều dưỡng. Chỉ có 12% thời gian người bệnh ICU được tiếp xúc với bác sỹ và các nghề khác.
Trong báo cáo của WHO đã khẳng định dịch vụ do điều dưỡng hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Đã có bậc thầy, học giả nêu quan điểm “Không có bác sỹ thì không có bệnh nhân - không có điều dưỡng thì không có bệnh viện” do bởi dịch vụ điều dưỡng 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần như nhau.
Thông thường điều dưỡng là người tiếp nhận người bệnh đầu tiên, đôi khi điều dưỡng là người duy nhất cấp cứu người bệnh ở bệnh viện và ở các trạm y tế. Năng lực chuyên môn của điều dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người bệnh…
Khẳng định: “Điều dưỡng là tương lai của chúng ta,” thạc sỹ Phạm Đức Mục lý giải nhìn từ góc độ hệ thống y tế, trước sự khủng hoảng thiếu điều dưỡng toàn cầu, nhân lực điều dưỡng trở nên khan hiếm trong dài hạn ở tất cả các quốc gia.
“Nước ta là một trong các quốc gia có tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân thuộc nhóm thấp nhất, mới bằng 1/8 các quốc gia phát triển so với mục tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 đến nay mới đạt 60%. Thiếu điều dưỡng, người bệnh thiệt thòi,” Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết.
Trợ giúp người bệnh cả về thể chất và tinh thần
Cho rằng quan niệm “điều dưỡng là cánh tay phải, là cánh tay nối dài của bác sỹ” không còn phù hợp, Thạc sỹ Phạm Đức Mục nhấn mạnh: “Thiên chức nghề nghiệp của điều dưỡng là trợ giúp người bệnh cả về thể chất và tinh thần. Bản chất của hoạt động khám chữa bệnh là hợp tác giữa các ngành nghề liên quan. Hệ thống của bác sỹ đã có quá trình phát triển lâu dài, còn hệ thống của điều dưỡng mới bắt đầu phát triển. Vì vậy chúng ta rất mong được các bác sỹ hỗ trợ và nhìn nhận điều dưỡng là người cộng tác đặc biệt của bác sỹ. Bởi vì công việc của bác sỹ và điều dưỡng luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và cùng giúp nhau hành nghề an toàn, cùng giúp nhau giảm stress trong môi trường chăm sóc sức khỏe đang có nhiều áp lực.”
Chia sẻ về giá trị dịch vụ do điều dưỡng và hộ sinh cung cấp, Thạc sỹ Phạm Đức Mục cho biết trong quá trình hành nghề, mỗi điều dưỡng từng chăm sóc cho hàng vạn người bệnh (ước tính 8 vạn), trực thức hàng ngàn đêm (ước tính 2.800 đêm) vì sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Kết quả nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy, hàng ngày người điều dưỡng phải thực hiện tới 49 đầu công việc.
Nghiên cứu của Việt Nam công bố một ngày điều dưỡng phải thực hiện tới hơn 100 đầu công việc, do điều dưỡng Việt Nam được giao nhiều công việc phi hành chính chăm sóc người bệnh trực tiếp. Như vậy, hoạt động chuyên môn của điều dưỡng có phạm vi rất rộng, chứ không bó hẹp trong việc thực hiện y lệnh bác sỹ.
Công việc của điều dưỡng luôn gắn với phương châm “Sức khỏe và sự hài lòng của người bệnh mỗi ngày là hạnh phúc của người điều dưỡng mỗi ngày.”
Sự hồi phục của người bệnh và sự an toàn của người bệnh là niềm vui của người điều dưỡng. Câu nói điều dưỡng là công việc của trái tim “Nursing is the work of Heart” rất đúng với bản chất nghề điều dưỡng.
Vì vậy, Thạc sỹ Phạm Đức Mục cho rằng điều dưỡng cần được giao nhiệm vụ tập trung vào chăm sóc người bệnh và nâng cao tính chủ động nghề nghiệp.
“Bộ Y tế đã ban hành phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng gồm 1251 kỹ thuật, trong đó có 26 kỹ thuật cấp cứu người điều dưỡng phải thành thạo, 94 kỹ thuật người điều dưỡng được quyền chỉ định và 317 kỹ thuật điều dưỡng và bác sỹ cùng chỉ định. Để thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn này theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện cần xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục để tăng cường năng lực chuyên môn cho điều dưỡng,” Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam đề nghị.
Cần tạo môi trường làm việc tích cực cho điều dưỡng
Theo Thạc sỹ Phạm Đức Mục, những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Y tế và các địa phương, ngành điều dưỡng đã có những tiến bộ đáng tự hào.
“Trong vòng 30 năm, chúng ta đã nâng cấp đào tạo điều dưỡng lên bốn cấp trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sỹ/chuyên khoa 1 và từ 2019 đã đào tạo tiến sỹ điều dưỡng trong nước. Chức năng và phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng đã được mở rộng. Hệ thống quản lý điều dưỡng đã được thành lập từ Bộ Y tế tới các sở y tế, các bệnh viện và tới tận các khoa phòng. Người bệnh đã được thụ hưởng chăm sóc ngày càng có chất lượng.”
Tuy nhiên, Thạc sỹ Nguyễn Đức Mục cũng cho rằng so với các nước khu vực như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, công tác điều dưỡng ở nước ta cần phải tiếp tục được quan tâm đầu tư nhiều hơn để rút ngắn khoảng cách với điều dưỡng các nước…
Đánh giá về công tác đào tạo điều dưỡng ở Việt Nam hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện tại số lượng điều dưỡng được đào tạo trong nước có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện nay.
Ngoài ra hằng năm, Việt Nam vẫn cung cấp nguồn sinh viên điều dưỡng sau tốt nghiệp đi làm việc tại một số nước phát triển như Nhật Bản, Đức.
Hiện nay trên thế giới, thiếu điều dưỡng đang xảy ra khắp nơi do sự di chuyển điều dưỡng sang hành nghề tại các nước phát triển với mức lương cao hơn, điều dưỡng bỏ nghề do công việc nặng nhọc, mức lương thấp và không được đánh giá cao… Đặc biệt sau đại dịch COVID-19 việc thiếu điều dưỡng tại các nước trên thế giới ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
“Tại Việt Nam hiện nay sau đại dịch, một số tỉnh cũng đã gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng điều dưỡng. Tuy nhiên việc thiếu điều dưỡng này phần nhiều do điều kiện về môi trường, địa bàn làm việc, điều dưỡng bỏ nghề do công việc vất vả nhất là sau đại dịch COVID-19. Nhiều sinh viên điều dưỡng sau tốt nghiệp không hành nghề điều dưỡng mà chuyển sang nghề khác, một số di chuyển hành nghề chăm sóc tại các nước phát triển,” Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê cho biết.
Để nâng cao số lượng và chất lượng chăm sóc điều dưỡng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao, Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê cho rằng cần quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế và ghi nhận sự đóng góp quan trọng của người điều dưỡng nhằm thu hút được số lượng, chất lượng đầu vào học nghề điều dưỡng và động viên, khuyến khích điều dưỡng tại các bệnh viện phát huy năng lực.
Cùng với đó, cần quy định nhân lực điều dưỡng tối thiểu trên người bệnh theo các chuyên khoa nhằm bảo đảm có đủ điều dưỡng để có thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện để trên cơ sở đó các bệnh viện có kế hoạch tuyển dụng nhân lực điều dưỡng.
Ngoài ra, cần đầu tư vào hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng. Đào tạo liên tục cũng cần được thúc đẩy để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới.
Đồng thời cần tạo ra môi trường làm việc tích cực, hỗ trợ, khích lệ sự phát triển cá nhân của điều dưỡng; tạo ra các cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, bao gồm cả việc tăng cường cơ hội thăng tiến sự nghiệp, tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý điều dưỡng các cấp; bảo đảm mức lương và phúc lợi hợp lý cho điều dưỡng.
Bên cạnh tăng cường hệ thống quản lý và giám sát; áp dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong quản lý thông tin và chăm người bệnh, giúp tăng cường hiệu suất làm việc của điều dưỡng và cải thiện chất lượng chăm sóc điều dưỡng, Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê cho rằng cần chú trọng tăng cường hợp tác với các tổ chức và đối tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực điều dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn nhân lực điều dưỡng ở Việt Nam./.