Vai trò của chủ nghĩa đa phương trong giải quyết khủng hoảng toàn cầu

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề nghị cần thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương trong giải quyết khủng hoảng đa chiều toàn cầu hiện nay để bảo đảm nguồn tài chính cho thực hiện các SDG.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ ngày 17-20/4, tại trụ sở Liên hợp quốc, Diễn đàn Tài chính cho Phát triển 2023 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhằm thảo luận các biện pháp toàn diện giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay và thúc đẩy các chính sách tài chính dài hạn thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, diễn đàn có sự tham dự của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Kőrösi, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, một số Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, 20 Bộ trưởng và đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc. Đoàn liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, làm Trưởng đoàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cuộc khủng hoảng đa chiều đang làm gia tăng bất bình đẳng và gây ra các tác động tiêu cực nghiêm trọng đến các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất, đe dọa đến việc thực hiện các SDG.

Tổng Thư ký kêu gọi các nước G20 nhanh chóng đưa ra một gói kích thích thực hiện SDG trị giá ít nhất 500 tỷ USD/năm nhằm tăng quy mô tài chính dài hạn và ưu đãi cho tất cả các quốc gia có nhu cầu.

Lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc và các nước đã thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn tài chính cho phát triển bao gồm việc đánh giá lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa để giải quyết các vấn đề cấp bách, đồng thời bảo đảm các mục tiêu dài hạn, thúc đẩy quản lý nợ bền vững và giải quyết các vấn đề cấu trúc nợ quốc gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế về thuế, bảo đảm tài chính cho chuyển đổi công nghiệp bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò của các ngân hàng đầu tư đa phương và đầu tư tư nhân trong gia tăng các nguồn vốn ưu đãi cho các nước đang phát triển.

Đại diện các nước cũng kêu gọi tái cấu trúc các thể chế tài chính quốc tế, bảo đảm an ninh lương thực nhằm đạt được các SDG và nhất trí thông qua Tuyên bố chính trị nhấn mạnh cam kết bảo đảm tài chính cho phát triển.

[Việt Nam tích cực áp dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình]

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề nghị cần thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương trong giải quyết khủng hoảng đa chiều toàn cầu hiện nay để bảo đảm nguồn tài chính cho thực hiện các SDG.

Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính giữa các quốc gia và đề nghị các nước G7, G20 đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi phục vụ các SDG và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Đại sứ cũng nhấn mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về các luật lệ mới như thuế tối thiểu toàn cầu, tín chỉ carbon, cũng như chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là rất cần thiết.

Các nước đang phát triển cũng cần tự nâng cao năng lực trong huy động các nguồn lực nội địa hiệu quả, gắn các SDG với chiến lược phát triển, cải thiện quản trị thuế, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Đại sứ khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực chung trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030, thông qua việc thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên.

Bên lề diễn đàn, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào các sự kiện đối thoại bên lề như Hội thảo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc làm và bảo trợ xã hội vì chuyển đổi công bằng, Hội thảo về Sáng kiến phát triển toàn cầu, gặp gỡ trao đổi với một số đối tác./.

Thanh Tuấn (TTXVN/Vietnam)