Ứng xử với di sản trong kỷ nguyên mới: Bảo tồn dựa trên nền tảng văn hóa
Quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu phải gìn giữ bản sắc văn hóa để góp phần phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mặc dù đã tốn khá nhiều tiền của và công sức cho khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhưng rồi “tư duy nhiệm kỳ,” “ý chí đương đại” đã che lấp hoặc phá hủy toàn bộ những nền móng cổ có giá trị lâu đời khiến cho công tác bảo tồn di tích, di sản đang gặp nhiều bất cập.
Đó là băn khoăn mà Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nêu lên trong Hội nghị “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá” diễn ra ngày 14/12 tại Hoàng thành Thăng Long (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức).
Thiếu nhận thức, biến di tích trăm tuổi thành một tuổi
Theo ông Tống Trung Tín, giới khảo cổ học Việt Nam đặc biệt quan tâm tới tình hình làm thế nào để bảo vệ được di tích khảo cổ học, loại di tích mà Hiến chương quốc tế về khảo cổ học Lausanne năm 1990 cho là dễ bị hủy hoại và biến mất nhất.
Thực tế tại Việt Nam hầu như tất cả các di tích khảo cổ học do không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài nên đều được đóng lại bằng phương pháp lấp hố bảo tồn.
Trường hợp khác là bảo tồn di tích sau khai quật bằng nhà mái che nhằm hướng tới phát huy giá trị lâu dài của khu di tích hoặc xây dựng công trình mới bên cạnh di tích vừa khai quật (đền Thái ở Quảng Ninh, chùa Dạm ở Bắc Ninh hay tòa Cửu phẩm ở Côn Sơn, Hải Dương.
Ngoài ra, còn có trường hợp xây dựng công trình mới chồng lên di tích, di tích nằm dưới tầng hầm của kiến trúc mới, như ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cách làm ở chùa Phật Tích chưa đáp ứng được việc phát huy di tích vì thiết kế không đẹp và không tiện lợi cho khách tham quan, di tích đang xuống cấp rất nghiêm trọng và sẽ bị phá hủy trong tương lai, vì không có giải pháp bảo tồn.
Thực tế còn có nhiều di tích trăm tuổi bị biến thành một tuổi, nhiều ngôi chùa được xây mới hoàn toàn trên nền móng cũ, các di tích bên dưới được xử lý thế nào thì giới khoa học đều không được biết.
Ông Tống Trung Tín cho rằng nguyên nhân sự sai lầm đó là do xuất phát từ nhận thức lệch lạc, đặc biệt là không coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, thiếu hiểu biết về khoa học bảo tồn và thiếu phương pháp và tính sáng tạo trong quảng bá giá trị di sản.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, công tác bảo tồn và phát huy di sản vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia nhận định cơ chế chính sách cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần hoàn thiện; nhận thức xã hội về di sản văn hóa vẫn chưa đúng mức; nguồn kinh phí đầu tư cho cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn để đáp ứng nhu cầu thực tế chưa tương xứng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, việc quản lý, phát huy di sản văn hoá gặp không ít thách thức.
Góp ý cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng cần tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở địa phương; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0.
Bảo tồn di sản trong thời đại 4.0 thế nào?
Để bảo tồn, phát huy giá trị những di sản được UNESCO ghi danh, đặc biệt là các di sản tư liệu, Tiến sỹ Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng việc số hoá những di sản tư liệu là cần thiết vì sẽ giúp cho việc quảng bá tới đông đảo công chúng đạt hiệu quả.
“Cục Di sản Văn hóa cần có hướng dẫn, đào tạo cho các địa phương kiến thức đánh giá, xếp loại các di sản tại địa phương, từ đó lập danh sách từng loại di sản để có lộ trình bảo tồn, phát huy giá trị, ghi danh hiệu quả,” Tiến sỹ Vũ Thị Minh Hương cho biết.
Theo Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ là rất cần thiết nhưng cũng cần phải lưu ý đến giá trị nguyên gốc, trực quan.
“Cần nghiên cứu việc số hoá đến nơi đến chốn để tránh lãng phí. Việc quan trọng là đào tạo con người để nâng cao trình độ bảo quản, trưng bày hiện vật tại các di tích, bảo tàng cũng như bảo tồn các loại hình di sản khác,” bà Lê Thị Minh Lý gợi ý.
Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, đây được xem là dấu ấn lớn của hoạt động bảo tồn và phát huy di sản trong 65 năm qua. Các chuyên gia cho rằng, với nhiều điều được sửa đổi, công tác bảo tồn và phát huy di sản sẽ đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng bảo tồn di sản văn hóa là lĩnh vực hoạt động văn hóa khác biệt so với các lĩnh vực khác đã được hình thành và phát triển trước đó. Nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa được đặt hoàn toàn trên cơ sở khoa học, cấu thành bởi các bộ môn như lịch sử, khảo cổ học, nhân học, luật học, kiến trúc và mỹ thuật, kỹ thuật chế tác và kỹ thuật xây cất, các bộ môn kỹ thuật và công nghệ khác.
“Do vậy, làm công tác bảo tồn di sản văn hóa không thể không đòi hỏi kiến thức đa ngành và liên ngành. Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử bảo tồn và phục hồi di tích trên thế giới có sự tham gia của các nhà khảo cổ học, sử học, triết học cùng với các kiến trúc sư, kỹ sư và họa sỹ… Cần thấu hiểu di sản, nỗ lực ứng xử với chúng trên nền tảng tiếp cận văn hóa,” Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị toàn ngành tập trung tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa-nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi phát triển du lịch.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng ngành di sản cần tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2024, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế.
Ngoài ra, cần tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
“Quá trình này củng cố niềm tin và giao phó cho chúng ta trách nhiệm lớn lao để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn mới: Gìn giữ bản sắc văn hóa để góp phần phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định./.