Ứng phó bão số 3: Hà Nội rà soát, kiểm tra 619 công trình, 7077 nhà ở riêng lẻ
Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung, chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó bão số 3 tại các công trình xây dựng, các khu chung cư cũ và nhà riêng lẻ có nguy cơ sập đổ.
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết Sở đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung, chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với Bão số 3 tại các công trình xây dựng, các khu chung cư cũ và nhà riêng lẻ có nguy cơ sập đổ trên địa bàn thành phố.
Sở Xây dựng đã có các văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các quận huyện triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, các khu chung cư cũ và nhà riêng lẻ có nguy cơ sập đổ trên địa bàn thành phố.
Về nhân lực và thiết bị, Sở Xây dựng đã đôn đốc các đơn vị (Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng (UDIC), Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bắc Nam, Tổng Công ty đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội (Handico) chuẩn bị lực lượng, thiết bị ứng phó bão số 3 gồm lực lượng tại chỗ 280 người, lực lượng huy động khi cần thiết 390 người, 170 phương tiện, thiết bị (xe cẩu, xúc, ủi, ôtô tải...), 80 thiết bị khoan phá bê tông, máy phát điện...
Theo thống kê tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, đến 10h00 ngày 7/9 đã có 619 công trình xây dựng và 7077 nhà ở riêng lẻ được chỉ đạo kiểm tra, rà soát triển khai phương án ứng phó cơn bão số 3.
Đối với các công trình xây dựng có cần cẩu tháp đã dừng thi công và thực hiện các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn (hạ độ cao cần trục tháp, gia cố giằng vào thân cần trục tháp...); tuân thủ quy trình hướng dẫn an toàn cần trục tháp của nhà sản xuất khi xảy ra mưa bão và các quy định về an toàn trong thi công xây dựng.
Đặc biệt, Sở Xây dựng lưu ý công tác đảm bảo an toàn điện cho máy, thiết bị thi công và điện trên công trình. Quận Hoàng Mai đã di dời người dân ra khỏi nhà TT A7 Tân Mai (nhà nguy hiểm) về trường tiểu học Tân mai với 48 hộ với 160 người. Quận Ba đình di dời 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi chung cư nguy hiểm nhà G6A Thành Công (đảm bảo 100% không có người ở /05 chung cư nguy hiểm).
Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, Ủy ban Nhân dân cấp xã, các Ban Quản lý dự án trực thuộc tổ chức ứng trực 24/24 trong suốt thời gian xảy ra mưa bão; chủ động rà soát toàn bộ các công trình đang xây dựng trên địa bàn quản lý, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư có công trình xây dựng trên địa bàn quản lý sẵn sàng phương án, thiết bị, con người, nguồn lực để kịp thời xử lý với các sự cố bất ngờ xảy ra; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của bão trên báo đài, phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với thực tế.
Sở đề nghị các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố chủ động bố trí sắp xếp phương án ứng trực trong thời gian xảy ra mưa bão.
Chỉ đạo các nhà thầu chủ động sẵn sàng về kinh phí, nguồn lực (lực lượng, vật tư, phương tiện….), các điều kiện đảm bảo để thực hiện phương án phòng chống thiên tai, lụt, bão theo phương châm 4 tại chỗ; triển khai các phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố do lụt, bão gây ra ngay từ giờ đầu.
Tổ chức kiểm tra toàn bộ các thiết bị làm việc trên cao; gia cố các thiết bị như giàn giáo thi công, máy vận thăng, cần trục tháp… đảm bảo ổn định, liên kết chắc chắn với kết cấu công trình; Đối với các công trình sử dụng cần trục tháp yêu cầu tuân thủ thực hiện Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 13/4/2012 của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố; có biện pháp gia cố cụ thể đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp trên công trình (hạ độ cao cần trục tháp, gia cố giằng vào thân cần trục tháp, có phương án cụ thể đảm bảo an toàn đối với cần trụ tháp lắp dựng sát công trình cao tầng lân cận,….)
Kiểm tra, rà soát biện pháp đảm bảo an toàn trên công trình (lưới chống vật rơi, lưới chắn an toàn, lan can, biển cảnh báo các vị trí nguy hiểm, hố sâu trên công trình….). Kiểm tra và có phương án gia cố hàng rào bao quanh công trình (bao gồm cả hàng rào tạm và hàng rào cũ hiện trạng) để hạn chế sự cố xảy ra. Đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn đối với các công trình gần khu dân cư.
Đối với các công trình xây dựng đang thi công phần ngầm, các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp thoát nước, hầm…, yêu cầu nhà thầu có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo an toàn trong thi công mùa mưa bão, đặc biệt lưu ý biện pháp thi công nền đất, tường chắn, thi công trên cao...
Biện pháp đảm bảo an toàn đối với các chung cư cũ và nhà ở riêng lẻ có nguy cơ sập đổ, Sở Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội thực hiện ngay việc kiểm tra, rà soát với các chung cư cũ và các nhà ở riêng lẻ có nguy cơ sập đổ, xây dựng phương án phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn cụ thể cho từng công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản khi bão số 3 đi qua trên địa bàn thành phố.
Đối với nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Ủy ban Nhân dân thành phố đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư phục vụ di dời các hộ gia đình và cá nhân; đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận trên khẩn trương tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra khỏi nhà chung cư cũ để đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các chủ sở hữu.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 7/9 về tình hình phòng chống bão tại tòa nhà Imperial Plaza 360 Giải Phóng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Ban quản lý tòa nhà đã cho chằng buộc chặt các khu vực cửa kính sảnh ngách. Bộ phận an ninh, vệ sinh, kỹ thuật Ban quản lý được bố trí tăng cường và túc trực tại tòa nhà 24/24 để thực hiện công việc chống bão theo phân công.
Các bộ phận chuẩn bị bao cát chắn không cho nước ngập xuống hầm, thường xuyên kiểm tra, rà soát các lỗ thoát sàn tầng mái, ngoại cảnh, gia cố các cửa kính sảnh ngách, tuần tra kiểm soát đóng các cửa số hành lang các tầng căn hộ, vệ sinh các đường cống rãnh thoát nước của tòa nhà…/.