"Ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa thành công trong phát triển nông nghiệp"
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần quan trọng giúp các mặt hàng nông sản Việt Nam chinh phục các thị trường quốc tế, tạo nên chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Ngành nông nghiệp thực hiện chủ trương tái cơ cấu và đã bắt đầu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng duy trì ở mức cao. Việc tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là "chìa khóa" thành công của tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức sáng 28/8 tại Hà Nội.
Nâng cao chất lượng nhờ công nghệ cao
Giáo sư, tiến sỹ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khẳng định ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới.
Thực tiễn đã chứng minh việc đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đến nay, cả nước có 49 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp có trình độ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như: TH Group (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Doveco (xuất khẩu nông sản chế biến), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân, Lộc Trời…
Bên cạnh chỉ ra một số điển hình, ông Trần Đức Viên cũng thẳng thắn nhận định nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền sản xuất nhỏ và manh mún, chuỗi giá trị nông sản chưa được phát triển bền vững, trình độ ứng dụng công nghệ còn thấp. Do đó, sức cạnh tranh của nông nghiệp còn thấp, chuỗi giá trị thực phẩm nông sản chưa phát triển. Điều này làm cho năng suất lao động thấp, sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng 1/2 so với Thái Lan và Philippines.
Theo ông Trần Đức Viên, mục tiêu chính của việc áp dụng công nghệ là tăng năng suất nông nghiệp, tiếp đến là cải thiện dinh dưỡng của sản phẩm nông nghiệp. Trong 10 năm tới, các công nghệ có tác động lớn nhất đến năng suất nông nghiệp sẽ bao gồm việc sử dụng cây trồng biến đổi gen hiện có; quản lý đất và nước; kiểm soát dịch hại; chế biến sau thu hoạch; ứng dụng sinh học phân tử vào vật nuôi và cây trồng… Các công nghệ mới nổi này với những tác động ở các mức độ khác nhau sẽ định hướng cho hoạt động và phát triển của ngành nông nghiệp thế giới và Việt Nam trong những thập kỷ tới.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao như: Ứng dụng công nghệ cao đối với lúa, trái cây, hoa, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản...; mô hình cánh đồng lớn; mô hình vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh (tại Cần Thơ doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm), vùng xoài cát Hòa lộc sản lượng 10.000 tấn/năm...; mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu (năng suất 80 tấn/ha năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha); mô hình sản xuất lợn giống (270.000 con giống/năm)... Nhờ đó, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 -56 tỷ USD.
Định hướng phát triển bền vững
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị nông sản là một vấn đề lớn, một chủ đề quan trọng đối với tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trong điều kiện và bối cảnh mới, khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nông nghiệp được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu ra 6 giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới gồm: Đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đào tạo, tập huấn, và chuyển giao công nghệ phù hợp; liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ và phát triển nông nghiệp bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo; trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên là nông dân. Do đó, trong thời gian tới cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, nhất là các hợp tác xã cần ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang có được nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nhóm chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống, liên kết sản xuất tiêu thụ, chuyển đổi số, phát triển chế biến sâu, khuyến khích kêu gọi đầu tư, thuế và tín dụng đối với hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, nhìn chung về mặt chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt là không thiếu, vấn đề còn lại là năng lực và điều kiện tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản đối với các chính sách này như thế nào, hoặc khâu chính sách nên điều chỉnh như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế của tái cơ cấu nông nghiệp./.