Ứng dụng AI hợp lý để tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí
Theo các chuyên gia, nếu được sử dụng đúng cách, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là công cụ hiệu quả cho phóng viên báo chí trong tác nghiệp và sản xuất thông tin.
Hiện các toà soạn Việt Nam mới chỉ “đặt một chân” vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Với những lợi ích mà AI mang lại, báo chí truyền thông Việt Nam không nên để lỡ “chuyến tàu trí tuệ nhân tạo” thêm một lần nữa.
Đó là nhận định của Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật trong Tọa đàm “Ứng dụng AI trong truyền thông” ngày 14/6 do Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) tổ chức.
Tọa đàm xoay quanh ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo với ngành truyền thông, từ việc sáng tạo nội dung tự động cho đến phân tích thông tin chuyên sâu dựa trên dữ liệu.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật đã chia sẻ cách ứng dụng AI tại tòa soạn Báo Điện tử VietnamPlus cũng như tại môi trường báo chí trong nước.
Nhờ có AI, các cơ quan báo chí có thể lọc được thành phần độc giả; chọn lọc từ khóa; soát sửa lỗi chính tả; phân tích xu hướng bạn đọc; tối ưu hóa hình ảnh… Thậm chí, một số cơ quan báo chí đã sử dụng AI để sản xuất các sản phẩm đa phương tiện như đồ họa, video, e-magazine… Một số khác sử dụng AI vào việc phân tích số liệu, dữ liệu để triển khai các chuyên đề, loạt bài điều tra có chất lượng.
Ngoài ra, AI có thể giúp cơ quan báo chí nghiên cứu thông tin nhãn hàng để thực hiện các chiến lược truyền thông, từ đó đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí.
“AI không phải là một trào lưu dễ đến dễ đi, mà đã trở thành xu thế tất yếu và thâm nhập sâu vào đời sống, nếu ứng dụng hợp lý sẽ giúp các tòa soạn báo tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhân lực,” ông Nhật nói.
Theo ông Nhật, dù thông minh, nhanh nhạy, song AI vẫn không thể thay thế con người. Do đó, bên cạnh việc đầu tư chi phí để mang về những ứng dụng AI cho đơn vị, các tòa soạn vẫn nên tập trung đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực của chính phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên để đảm bảo chất lượng và có thể sử dụng AI một cách hiệu quả.
“AI mang đến lợi ích nhiều hơn là lấy đi các cơ hội của báo chí. Đó là tầm nhìn ngắn hạn của tôi bởi trong thời đại công nghệ phát triển ngày nay, chúng ta không thể dự đoán được tương lai quá xa,” ông Nhật nói.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đặng Phạm Thiên Duy, Giảng viên cao cấp, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng ở Việt Nam, hầu hết ứng dụng AI còn trong phạm vi hẹp, chủ yếu dùng để thực hiện những nhiệm vụ chuyên biệt.
“Doanh nghiệp nên tiếp cận AI và xem xét ngay các yếu tố liên quan, như lợi thế và bất lợi, nguồn lực cần có, các quy định, vấn đề đạo đức và ứng dụng, để chuẩn bị đón đầu cơn sóng AI,” ông Duy nói.
Chương trình tọa đàm còn có sự góp mặt của các diễn giả: Ông Rishad Patel, đồng sáng lập Splice Media; ông Đặng Hải Lộc, CEO của AIV Group (công ty khởi nghiệp về cải thiện thói quen sản xuất, tiêu dùng và phân phối tin tức ở Việt Nam); ông Trần Vũ Nguyên, Chủ tịch AI Education; bà Nguyễn Nga Huyền, Giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh-Đại học Quốc gia Hà Nội./.