UNESCO công nhận nhiều địa điểm tưởng niệm là Di sản Thế giới
Các điểm tưởng niệm trở thành Di sản Thế giới bao gồm nghĩa trang trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất tại Bỉ, Pháp; các đài tưởng niệm nạn diệt chủng ở Rwanda và một trung tâm tra tấn cũ ở Argentina.
Một loạt địa điểm tưởng niệm đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản Thế giới.
Quyết định trên được đưa ra trong phiên họp mở rộng lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đang diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Các điểm tưởng niệm trở thành Di sản Thế giới bao gồm loạt nghĩa trang trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất tại Bỉ và Pháp; các đài tưởng niệm nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994 và một trung tâm tra tấn cũ ở Argentina.
Theo thông báo vắn tắt của UNESCO, việc xem xét hồ sơ 3 đề cử trên đánh dấu một giai đoạn mới trong vai trò bảo vệ các Di sản Thế giới trên phạm vi toàn cầu.
[UNESCO công nhận thêm nhiều địa danh là Di sản Thế giới]
Các địa điểm trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất bao gồm một loạt nghĩa trang quân sự, nghĩa trang chiến trường và đài tưởng niệm nằm giữa khu vực miền Bắc của Bỉ và miền Đông của Pháp.
139 địa điểm này thuộc Mặt trận phía Tây trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, lưu giữ hài cốt của hàng chục nghìn binh sỹ thuộc nhiều dân tộc.
Di sản Thế giới mới tại Rwanda gồm 4 đài tưởng niệm được xây dựng trên các ngọn đồi từng xảy ra nạn diệt chủng người Tutsi năm 1994, trong đó ít nhất 800.000 người đã thiệt mạng.
Trong khi đó, bảo tàng ESMA của Argentina - địa điểm thuộc trường Hải quân cơ giới tại Buenos Aires - là một trung tâm giam giữ bí mật trong chế độ độc tài 1976-1983, nơi đã diễn ra nhiều cuộc tra tấn và tử hình tù nhân.
Tính đến trước ngày 19/9, trong danh sách địa điểm tưởng niệm được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới chỉ có trại tập trung Auschwitz-Birkenau ở Ba Lan và Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ở Nhật Bản.
Cuộc họp của UNESCO năm 2018 đã hoãn việc bổ sung các khu tưởng niệm vào danh sách Di sản Thế giới do lo ngại những công trình này gắn liền với ký ức tàn bạo và xung đột.
Tuy nhiên, vào đầu năm nay, UNESCO cho biết các quốc gia thành viên đã nhất trí rằng những địa điểm như vậy có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiến tạo hòa bình, vốn là mục đích chính của tổ chức này.
Trong danh sách Di sản Thế giới mới công bố ngày 20/9 còn có sa mạc Uruq Bani Ma'arid của Saudi Arabia.
Với diện tích 12.756km2, Uruq Bani Ma'arid nằm ở rìa phía Tây của Ar Rub' al-Khali, sa mạc lớn duy nhất ở châu Á nhiệt đới và là hoang mạc cát không gián đoạn lớn nhất Trái Đất.
Theo bài viết trên trang chủ của UNESCO, địa hình đa dạng của sa mạc Ar Rub' al-Khali tạo ra nhiều môi trường sống cho động vật hoang dã.
Địa điểm này nổi tiếng toàn cầu nhờ ghi nhận sự tái xuất hiện của các loài động vật sa mạc mang tính biểu tượng như linh dương sừng thẳng Arab và linh dương cát Arab, trong môi trường sống tự nhiên của chúng sau nhiều thập kỷ tuyệt chủng.
Bộ trưởng Văn hóa Saudi Arabia, Hoàng tử Bader bin Abdullah bin Farhan Al Saud nhấn mạnh quyết định của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO là minh chứng cho sự ủng hộ vững chắc đối với văn hóa và di sản của vương quốc này, đồng thời phản ánh nền văn hóa và đa dạng sinh học rộng lớn của Saudi Arabia.
Trước đó, ngày 17/9, UNESCO đã công nhận thêm nhiều địa điểm nổi tiếng là Di sản Thế giới, trong đó có Cảnh quan Văn hóa Gedeo ở Ethiopia, các trạm dừng chân cho khách lữ hành tại Iran, Di chỉ Khảo cổ Tell es-Sultan của Palestine.
Ngoài những địa điểm trên, danh sách Di sản Thế giới được UNESCO công nhận cũng đã được nối dài với quần thể 7 cụm lăng mộ Gaya Tumuli ở Hàn Quốc và rừng chè cổ ở Phổ Nhĩ, Tây Nam Trung Quốc.
Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO họp mỗi năm một lần, với sự có mặt của đại diện 21 quốc gia thành viên tham gia Công ước Di sản Thế giới, do Đại Hội đồng Liên hợp quốc bầu ra theo nhiệm kỳ 4 năm.
Theo UNESCO, các địa điểm phải có "giá trị nổi bật toàn cầu" mới được đưa vào danh sách Di sản Thế giới.
Ủy ban Di sản Thế giới cũng thường xuyên sửa đổi các tiêu chí đánh giá "nhằm phản ánh sự phát triển của khái niệm Di sản Thế giới."
Cho đến nay, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận khoảng 1.200 địa điểm ở hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ là Di sản Thế giới./.