Ùn tắc giao thông trên các tuyến trọng điểm tại Bình Dương: Nguyên nhân do đâu?

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc ở Bình Dương gồm hạ tầng giao thông quá tải, tiến độ nâng cấp đường chậm trễ và việc điều phối đèn tín hiệu giao thông chưa phù hợp.

Những ngày gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông tại Bình Dương đã trở thành vấn đề nhức nhối, đặc biệt tại các tuyến đường trọng điểm như Quốc lộ 13, Mỹ Phước-Tân Vạn, Phạm Ngọc Thạch và Huỳnh Văn Lũy.

Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính bao gồm hạ tầng giao thông quá tải, tiến độ nâng cấp đường chậm trễ và việc điều phối đèn tín hiệu giao thông chưa phù hợp.

Ghi nhận từ thực tế, nhiều tài xế cho biết thời gian đèn xanh-đỏ không đồng bộ với lưu lượng phương tiện. Tại các giao lộ như ngã tư Phạm Ngọc Thạch-Mỹ Phước-Tân Vạn, thời gian đèn đỏ kéo dài đến 90 giây, trong khi đèn xanh chỉ có 25 giây, gây ra tình trạng ùn tắc trầm trọng.

Ngoài ra, trên Quốc lộ 13, việc phân luồng đèn tín hiệu giữa xe ô tô và xe máy cũng tạo xung đột, khiến làn xe máy thường xuyên bị ùn ứ.

Trung tá Trần Minh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Bình Dương, cho biết việc áp dụng Nghị định 168 đã giúp người dân ý thức hơn khi tham gia giao thông, đi đúng làn đường và tuân thủ quy định.

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra do các bất cập về hạ tầng và cách điều phối giao thông chưa đồng bộ; trong đó có tín hiệu đèn trên các giao lộ.

Để khắc phục, Công an tỉnh Bình Dương sẽ tiếp nhận việc quản lý và điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông từ Sở Giao thông vận tải.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ khảo sát thực tế trên toàn tỉnh, điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu, đồng thời bổ sung biển báo và đèn chỉ dẫn cho phép xe hai bánh rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ an toàn.

Lượng xe ôtô ùn ứ trên đường ĐT.743 đoạn rẽ vào địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Dương Nguyễn Thanh Thuận cho biết Sở đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp BOT được yêu cầu điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông phù hợp với thực tế, tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông trong việc điều tiết giao thông tại các điểm nóng.

Cùng với đó, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp BOT phối hợp Công an tỉnh chuyển giao cho Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh tiếp quản hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tăng cường chốt trực, điều tiết giao thông tại các điểm thường ùn tắc, nhất là trong cao điểm dịp Tết năm 2025./.